Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết phải phạt nặng hành vi tua công tơ mét

Phạm Công - Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đề xuất nghiêm cấm tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô tại Luật Trật tự an toàn giao thông. Việc này sẽ giúp minh bạch trong việc mua bán xe cũng như nâng cao độ an toàn của phương tiện.

Công tác đăng kiểm gặp khó khi nhiều lái xe tua công tơ mét. Ảnh: Hải Linh
Công tác đăng kiểm gặp khó khi nhiều lái xe tua công tơ mét.
Ảnh: Hải Linh

Tua công tơ mét để trục lợi

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất đưa nhiều nội dung liên quan đến phương tiện vào hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, cấm chủ phương tiện không được tự ý cải tạo xe. Nếu muốn cải tạo, chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục cải tạo phương tiện với phương án cải tạo cụ thể (đi kèm bản vẽ thiết kế cải tạo tùy từng hạng mục) để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt mới thực hiện việc cải tạo và vẫn cần phải nghiệm thu, kiểm định lại phương tiện sau cải tạo.

Đáng chú ý, so với quy định hiện hành (tại Luật Giao thông đường bộ 2008), dự thảo Luật TTATGT đã bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô hay thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm.

Thực tế cho thấy, đây là những hành vi diễn ra phổ biến, không chỉ tua công tơ mét để đăng kiểm, nhiều trường hợp xe cũ bị tua công tơ mét để nâng giá trị xe khi buôn bán, trao đổi. Song cũng không ít tình huống chủ xe công khai có nhu cầu thuê phụ tùng zin của phương tiện để lắp đặt cho xe đã độ mà chưa qua phê duyệt cải tạo nhằm qua mặt đơn vị đăng kiểm.

Là nạn nhân của việc tua công tơ mét để nâng giá trị xe, anh Nguyễn Văn Toàn, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: “Tôi mua chiếc xe ô tô Fortuner cũ với giá 700.000.000 đồng. Ban đầu, cửa hàng buôn xe cũ giới thiệu xe đời sâu nhưng mới đi có hơn 10 vạn km nên giá có nhỉnh hơn thị trường vài chục triệu, tôi mua mà không đắn đo gì thêm”.

Sau hơn 2 tháng sử dụng, đem đi sửa chữa tại gara một người quen, anh Toàn “ngã ngửa” khi biết công tơ mét đã được tua lại. Thực tế, chiếc xe Fortuner của anh đã đi được 25 vạn km. “Xe cũng đã đi được một thời gian, quay lại cửa hàng, thì họ nói làm sao biết được hơn 2 tháng qua tôi đi được bao nhiêu km nên đành ôm cục tức mà đi về” – anh Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Không chỉ tua công tơ mét để kiếm thêm lợi khi bán xe, nhiều tài xế còn tua công tơ mét để tăng số km nhằm gian lận cước vận chuyển hoặc thanh toán chi phí xăng, dầu. Một chủ gara ô tô ở quận Hà Đông, Hà Nội bật mí: “Nhiều tài xế đến tìm chúng tôi để tua công tơ mét nhằm tính thêm chi phí xăng, dầu, tiền công. Tình trạng này phổ biến nhất với những tài xế xe tải đường dài, hay những tài xế đưa đón người nước ngoài theo hợp đồng các công ty”.

Theo chủ gara này, việc tua công tơ mét không quá phức tạp, lại rất khó phát hiện. Chi phí mỗi lần tua công tơ mét dao động từ 500.000 – 700.000 đồng. Chủ gara này cũng tiết lộ, thiết bị để điều chỉnh công tơ mét cũng không quá khó để có thể mua được trên mạng với giá vài triệu đồng. “Tình trạng chủ xe muốn bán xe đến tua công tơ mét cũng diễn ra khá phổ biến. Càng xe đời sâu thì càng dễ làm. Những chiếc xe hiện đại tuy có hơi mất thời gian thêm chút những vẫn có thể tua được công tơ mét” – chủ gara ô tô ở quận Hà Đông cho biết thêm.

Cần xử nghiêm, phạt nặng

Thạc sĩ Vũ Thái Hoàng chia sẻ: “Tại Việt Nam, việc tua công tơ mét diễn ra khá nhiều, không ít vụ tranh cãi nảy lửa giữa người mua và người bán xe đã diễn ra song người mua do không kiểm tra kỹ nên chấp nhận chịu thiệt”.

Theo vị chuyên gia kỹ thuật ô tô này, nếu mua xe cũ bị tua công tơ mét, người mua sẽ không thể biết được thời điểm chính xác để thực hiện hạng mục bảo dưỡng ô tô. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành, thay thế các chi tiết định kỳ. Không những thế, hành vi này còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng vì các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch.

“Hiện nay, rất khó để người bình thường có thể phát hiện ra được phương tiện đã bị tua công tơ mét hay chưa. Chỉ có thể nhờ thợ hoặc đến hãng kiểm tra đối với các phương tiện bảo dưỡng định kỳ” - Thạc sĩ, kỹ thuật ô tô Vũ Thái Hoàng cho biết.

Theo Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Hải Thanh, ở Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công tơ mét ô tô. Việc này chỉ có thể xử lý theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là hành vi gian dối. Tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp.

“Việc xây dựng chế tài cụ thể đối với hành vi này nhằm chấm dứt tình trạng tua công tơ mét như hiện nay là hoàn toàn cần thiết. Ở các nước phát triển, việc cấm tua công tơ mét đã được áp dụng từ lâu. Những hành vi tua công tơ mét để trục lợi có thể bị xử lý hình sự” – luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.