Cần thiết sửa đổi Dự án Luật VKSND và TAND theo Hiến pháp 2013

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung: Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; mô hình tổ chức của viện kiểm sát và tòa án cấp huyện, cấp khu vực; ngạch kiểm sát viên, tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên…

Theo đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo, Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thực sự cần thiết sửa đổi một cách toàn diện, theo chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013. Đồng thời, đồng tình với báo cáo thẩm tra, về phạm vi điều chỉnh tên gọi của Luật, về chức năng nhiệm vụ của dự thảo. Tuy nhiên cần thể hiện chức năng, nhiệm vụ theo hiến định, thể hiện rõ chức năng về truy tố và kiểm soát tư pháp, đối với cơ quan tư pháp.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến
Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến
Cũng theo ĐB Thảo, chức danh kiểm sát viên đã là chức danh tư pháp nên quy định nhiệm vụ gì thì cần thể hiện rõ ở trong luật. Mô hình tổ chức thực hiện của viện kiểm sát theo 4 cấp là hợp lý nhưng mô hình, cấp thứ 4 là tòa án khu vực khi đặt tại huyện thì cần xem xét tính tương quan, phân định rõ cách phân chia theo địa lý hay tính chất của công việc, đồng thời cũng chịu sự giám sát của HĐND cấp huyện.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, triết lý của việc sửa đổi lần này của 2 dự án luật là bảo đảm tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền; cơ cấu của từng cơ quan trong hệ thống cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; các chức danh tư pháp và cán bộ của ngành; mối quan hệ giữa các cơ quan thiết chế; theo cấp xét xử, không theo cấp hành chính…

Ngoài ra, ĐB Quyền góp ý các chức danh tư pháp phải thi tuyển, kết hợp theo hội đồng và thi tuyển quốc gia; phân định các loại kiểm sát viên để mỗi cấp có một tiêu chuẩn. Đặc biệt, cần có thiết chế để kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính pháp lý trước khi ban hành.

Đồng tình với đại biểu ĐB Thảo và ĐB Quyền, ĐB Nguyễn Sơn nói thêm về tính độc lập trong tranh tụng tại phiên tòa là quyền hiến định có vấn đề gì khác thì thẩm phán mới cần xin phép viện trưởng viện kiểm sát, nhưng thực ra không có quyền độc lập. Vì vậy, trong bối cảnh tranh tụng tại phiên tòa, thẩm phán chưa có quyền quyết định nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao hai dự án luật ở việc đã bám sát được Hiến pháp 2013 và tinh thần chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là tinh thần hội nhập quốc tế, cũng như cố gắng khắc phục những bất cập trong thời gian qua; trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thể hiện ở câu “Khách quan, toàn diện” trong Điều 17 của Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi).

Tuy nhiên, ĐB Khánh đề nghị tại Điều 11 của Luật chỉ để kiểm sát việc tiếp nhận tin báo về tố giác còn lại việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải xem xét lại, nếu không sẽ thành “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đây cũng là nội dung ĐB Nguyễn Đức Chung kiến nghị xem xét điều chỉnh.

Sáng mai (23/5), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.