Cần thiết thành lập cảnh sát du lịch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước tình trạng khách du lịch đến Hà Nội bị chặt chém, đeo bám và làm phiền, những người có tâm huyết với du lịch Thủ đô cho rằng, nên thành lập đội cảnh sát du lịch để Hà Nội đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế.

Mới đây, Sở VHTT&DL đã đề xuất lên Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch về việc thành lập đội cảnh sát du lịch.

Rất cần thiết

"Cảnh sát du lịch" là cụm từ không còn xa lạ ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước gần Việt Nam như Malaysia, Singapore, đặc biệt là Thái Lan.

Là nhà chuyên môn, ông Trịnh Lê Anh, giảng viên khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Khi phía chính quyền có những quan tâm cần thiết, nhất là ngành công an vào cuộc và có thể thành lập đội cảnh sát du lịch thì đó là điều đáng mừng và rất cần thiết.

Ông Lê Anh cho rằng, ngành du lịch Hà Nội nên học hỏi mô hình quốc tế. Bởi thực chất không phải cứ nhìn thấy công an ở khắp mọi nơi thì ta thấy ở đó có lực lượng bảo vệ cho ngành du lịch.
 
 
Cần thiết thành lập cảnh sát du lịch - Ảnh 1
 
Đeo bám du khách quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.  Ảnh:  Trần Anh
 

Thời đại CNTT, điện thoại và internet là những công cụ để lực lượng an ninh có thể truyền thông tới khách du lịch quốc tế khi đến sân bay, cửa khẩu của Việt Nam số điện thoại "nóng" dễ nhớ. Và, bất cứ trường hợp nào gọi điện đến cảnh sát du lịch đều được xử lý kịp thời. Người xử lý có thể là lực lượng công an ở phường, xã.

Đại diện nhiều đơn vị du lịch, hướng dẫn viên cũng đồng tình với đề xuất Hà Nội thành lập đội cảnh sát du lịch để ngăn chặn tình trạng chặt chém, làm phiền du khách.

Thực tế, cảnh sát du lịch các nước đã làm rất tốt việc đảm bảo an toàn, lợi ích và đem đến sự hài lòng cho du khách. Chẳng hạn, tại Thái Lan, lực lượng cảnh sát du lịch gồm các cảnh sát chuyên nghiệp địa phương và tình nguyện viên biết ngoại ngữ để hỗ trợ các du khách trong mọi tình huống.

Với những hành động cần thiết và được triển khai đồng bộ, đã có đến 60% du khách quốc tế quay lại Thái Lan từ lần thứ hai trở lên.

Cốt yếu vẫn là “tai mắt nhân dân”

Để đội cảnh sát du lịch hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, phải làm rõ về sự kết nối giữa công an và du lịch, về chức năng nhiệm vụ và sự phối hợp. Điều quan trọng nhất là phải có mức phạt rõ ràng, phạt nặng chứ không phải chỉ là hình thức".

Với việc tán thành thành lập đội cảnh sát du lịch, theo đại diện lãnh đạo Công ty Du lịch và Thể thao Việt Nam: "Điểm cốt yếu của dự án cảnh sát du lịch này là huy động "tai mắt nhân dân" (giới lái taxi, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhóm cho thuê dù trên bãi biển…).
 

Trên các tuyến phố chính cần treo các áp phích có số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát du lịch để người bị hại lẫn người dân có thể cấp báo khi bị tấn công hoặc thấy dấu hiệu khả nghi.

Đồng thời, thành lập các "khu vực an toàn" có lắp camera quan sát tại những nơi đông khách du lịch…"Đồng tình với ý kiến này, Ths Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khoa học và Du lịch đề nghị cần tuyên truyền để nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, có liên quan đến du lịch.

Theo bà Thủy, cần quan tâm đào tạo những người dân địa phương ở nơi có hoạt động du lịch, giúp cho họ hiểu việc đối xử tốt với du khách sẽ mang lại nguồn lợi cho mình như thế nào.

 Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài, anh Nguyễn Văn Canh, Công ty lữ hành Hương Giang chia sẻ: Nên có sự kết hợp giữa cảnh sát du lịch với cảnh sát khu vực, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi ở phường, xã. Các công ty du lịch phải luôn cung cấp cho du khách những thông tin đáng lưu ý khi đặt phòng hay mua hàng lưu niệm...