Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần Thơ chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của sạt lở

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2010 – 2022, Cần Thơ có 262 điểm sạt lỡ với tổng chiều dài 9.870m; đã làm 94 căn nhà hư hại hoàn toàn, 4 người chết và 5 người bị thương. Thiệt hại do sạt lở gây ra trên địa bàn TP Cần Thơ ngày một nghiêm trọng và phức tạp...

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: Từ năm 2010 – 2022, Cần Thơ có 262 điểm sạt lỡ với tổng chiều dài 9.870m; đã làm 94 căn nhà hư hại hoàn toàn, 4 người chết và 5 người bị thương. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân. 

Qua số liệu tổng hợp tình hình thiệt hại do sạt lở gây ra cho thấy diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ ngày một nghiêm trọng và phức tạp. Đặc biệt là các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều... gây thiệt hại lớn về sinh mạng, gây mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch.

Tuyến đường giao thông nông thôn cặp sông Ô Môn ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị sạt lở, được phủ bạt và rào chắn. Ảnh Hồng Thắm 
Tuyến đường giao thông nông thôn cặp sông Ô Môn ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị sạt lở, được phủ bạt và rào chắn. Ảnh Hồng Thắm 

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, nguyên nhân gây sạt lở trên diện là do lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm nghiêm trọng, so với trước năm 2012 giảm khoảng 80%. Ngoài ra việc khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch và sự biến động của mực nước gây tác động sạt lở bờ sông càng nhanh.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tại Cần Thơ đã ghi nhận 2 điểm sạt lở xảy ra trên tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m. Điểm sạt lở thứ hai trên tuyến kênh Thạnh Đông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, dài 25m, ăn sâu vào đất liền 3m.

Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, thông tin về vụ điểm sạt lở xảy ra trên tuyến sông Ô Môn: "Vụ sạt lở này xảy ra vào ngày 9/1, trước một nhà máy chế biến lương thực, có chiều dài khoảng 26m và chiều rộng 8m. Vụ sạt lở gây thiệt hại băng tải truyền lúa và giá đỡ thổi trấu của nhà máy, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Ngay sau khi khảo sát, chính quyền địa phương đã cho phủ bạt và rào chắn ở hai đầu nhằm hạn chế phương tiện đi lại."

Ông Trần Tấn Tài (ngụ tại địa phương) chia sẻ: "Hằng ngày, tôi đều đem hàng ra quận Ô Môn bán và phải đi qua tuyến đường này. Nhưng từ trước Tết, đường bị sạt lở nên tôi phải đi đò. Mong ngành chức năng sớm khắc phục để người dân lưu thông dễ dàng". Vừa qua, Chi cục Thủy lợi cũng đã cử người xuống khảo sát để có giải pháp tái lập đoạn đường này.

Trước sự diễn biến phức tạp của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND quận, huyện chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của Nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn.

Đồng thời, kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm (đặc biệt là những nơi có nguy cơ sạt lở cao) đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn mình quản lý; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cho cộng đồng dân cư để người dân nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, chống ứng phó kịp thời và có hiệu quả.