Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Giai đoạn đến năm 2025, thành phố Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm khu vực về công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng ĐBSCL.

Đó là mục tiêu của đề án “Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại” vừa được UBND thành phố Cần Thơ quyết định phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thành phố Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm khu vực về công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
 Một góc thành phố Cần Thơ
Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có một số nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của thành phố phấn đấu đạt từ 7,5-8%/năm; trong đó ngành công nghiệp và xây dựng phấn đấu tăng bình quân từ 9-9,5%/năm. Tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 33,7-34% trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Giai đoạn 2026-2030, kinh tế của tăng bình quân 7-7,5%/năm; trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng đạt từ 7,5-8%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 34,02-34,28% trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Dự kiến GRDP của thành phố Cần Thơ sẽ đạt khoảng 9.400-11.000 USD/người, tương đương 125-146% mức trung bình của cả nước.
Về định hướng, thành phố tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng dần cơ cấu các ngành ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư phát triển các ngành ưu tiên và đem lại giá trị gia tăng cao…
Nhóm ngành ưu tiên phát triển gồm: chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (dược phẩm, phân bón, cao su, nhựa…); các ngành CN công nghệ cao (điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin…); cơ khí, chế tạo (sản xuất máy móc, thiết bị…); vật liệu mới theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Theo quan điểm phát triển của thành phố, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với tái cơ cấu kinh tế của thành phố, phù hợp quá trình tái cơ cấu công nghiệp chung của cả nước và vùng ĐBSCL, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đảm bảo phát triển công nghiệp thành phố tương xứng với vai trò đầu tàu của vùng ĐBSCL…