PCI ổn định ở mức “Tốt”
Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện, kết quả chỉ số PCI của TP Cần Thơ được cải thiện theo hướng tích cực, tăng dần điểm số, cải thiện và duy trì vị trí trên bảng xếp hạng PCI.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, việc đưa nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TU vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và nhiệm kỳ của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội, được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị TP.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, TP Cần Thơ đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số điểm là 68,06 điểm (tăng 1,73 điểm so với năm 2020) và được xếp vào nhóm có thứ hạng “Tốt”, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (tăng 3 bậc so với năm 2020). Theo kết quả này, Cần Thơ vẫn duy trì xếp hạng so với năm 2020, nhưng tăng 4 bậc so với trước khi ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU.
Như vậy, trong 10 năm qua, mặc dù điểm số và thứ hạng có lúc tăng, lúc giảm, kèm theo đó là các lần thay đổi phương pháp đánh giá PCI, tuy nhiên, điểm số có biên độ tăng giảm không nhiều, thứ hạng của Cần Thơ luôn xoay quanh vị trí từ 10 đến 12, cho thấy độ ổn định trong việc cải thiện và duy trì điểm số và thứ hạng.
Tác động tích cực, cải thiện môi trường đầu tư
“Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, môi trường đầu tư, kinh doanh TP được cải thiện rõ rệt, cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, giảm thời gian và chi phí hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển mạnh cơ chế quản lý sang hậu kiểm; áp dụng phương thức quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan” - ông Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2022 đạt mức bình quân 5,6%/năm, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2017 tăng bình quân 7,12%, giai đoạn 2017 - 2022 tăng bình quân 4,11%/năm.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính; chất lượng việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được nâng cao.
Về thủ tục gia nhập thị trường, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp rút ngắn từ 7 ngày làm việc trước đây còn 3 ngày làm việc, một số thủ tục đơn giản được trả trong ngày làm việc; bộ phận đăng ký kinh doanh tiếp nhận bình quân 10.000 hồ sơ/năm, trên 99% các hồ sơ đều được xử lý trước và đúng hạn.
Theo ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, thời gian qua, công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính luôn được Sở quan tâm thực hiện, nhất là những thủ tục hành chính về đất đai. Trong đó, ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; cụ thể: Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất và Đăng ký đất đai lần đầu được rút ngắn 15 ngày so với quy định là 30 ngày; tách - hợp thửa giảm từ 20 ngày xuống còn 15 ngày; xác nhận trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày…
Tiếp tục nâng cao chỉ số PCI
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu biểu dương những thành tích của TP đã được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, do đó Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là Chương trình số 26 của Thành ủy. Trong đó trọng tâm là chương trình xây dựng chính quyền hành động, phục vụ. Lưu ý, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính không phù hợp để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Đồng thời, giao ban cán sự đảng ủy UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành, và địa phương tập trung thực hiện nhóm giải pháp trước mắt và căn cơ để cải thiện và nâng cao PCI cấp tỉnh của TP.
Cụ thể, về nhóm giải pháp trước mắt, cần rà soát chỉ số thành phần giảm điểm, có thứ hạng thấp để có giải pháp cải thiện. Về nhóm giải pháp căn cơ, cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; cụ thể hóa và ban hành Bộ tiêu chí về chỉ số PCI cho TP, sở, ngành, quận, huyện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ sớm cụ thể hóa các cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, đặc biệt là chính sách về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, thu nhập cán bộ...
Song song đó, hoàn thiện Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 làm cơ sở để định hướng công tác thu hút đầu tư của TP; đẩy mạnh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo tại TP Cần Thơ kết nối Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học công nghệ của vùng ĐBSCL.