Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về chất thải rắn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh tại hội thảo “Quản lý Nhà nước về chất thải rắn” do Bộ TN&MT tổ chức sáng 8/5 tại Hà Nội.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) quy định Bộ TN&MT được giao chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung; các Bộ: Xây dựng, Y tế và GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.
 Toàn cảnh hội thảo.
Tuy nhiên, các văn bản dưới luật (Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP) có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR); chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều Bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện.
Trong thẩm định, đánh giá xử lý CTR, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đang thống nhất giao Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý môi trường, bao gồm cả thẩm định, đánh giá công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam. 
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 27 Nghị định 38/2015/NĐ-CP vẫn đang giao trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam cho Bộ KHCN. Luật BVMT không quy định về vấn đề này. 
Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật KHCN lại giao việc thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư cho ngành KHCN (Bộ KHCN và Sở KHCN).
Ông Nguyễn Hưng Thịnh cũng cho biết, theo quy định của khoản 8 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Xây dựng được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong đó bao gồm quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Vì vậy, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP nhằm chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; ...từ Sở Xây dựng sang Sở TN&MT để bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia đã cùng phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn (ví dụ như: Rà soát các văn bản; các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây Dự án xử lý chất thải rắn; quy hoạch quản lý chất thải rắn; định mức, đơn giá thu gom xử lý chất thải rắn;...); kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn; đề xuất bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật để thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng Cục Môi trường, xây dựng và hoàn thiện nội dung trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về CTR, trong đó giao Bộ TN&MT là đơn vị thống nhất quản lý nhà nước về CTR; Nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về một số công cụ kinh tế trong quản lý CTR; biện pháp huy động nguồn lực từ xã hội; Nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý CTR phù hợp với điều kiện của các vùng, miền;…
Đồng thời đề nghị các địa phương, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong đó giao UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.