Cạn tiền, đói đơn hàng, doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất kinh doanh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất chủ lực đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đó là tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, cạn kiệt dòng tiền. Điều này khiến phần lớn doanh nghiệp phải chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sụt giảm đơn hàng, hoạt động cầm chừng

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, thị trường trong nước không thể là chỗ dựa, bởi lâu nay đồ gỗ định hướng làm ra để xuất khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ đang trong cảnh đói đơn hàng. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ đang trong cảnh đói đơn hàng. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho hay, từ quý I/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Do tình cảnh chung của các doanh nghiệp là không có đơn hàng xuất khẩu nên dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt tương đương năm 2022.

“Chưa kể, do ngành bất động sản gặp khó khăn, gỗ lại là mặt hàng “cộng sinh” với thị trường bất động sản, do đó nếu bất động sản không khởi sắc, thì thị trường đồ gỗ trong nước cũng không thể tăng trưởng được” – ông Đỗ Xuân Lập bày tỏ.

Đáng nói, năm 2023, chứng kiến những xu hướng thay đổi, có những doanh nghiệp mở ra lĩnh vực kinh doanh mới và phát triển nhưng có doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Trong quý I/2023, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý II, quý III/2023 (thời kỳ cao điểm của sản phẩm may mặc) nhưng lượng hàng giảm 20 - 30%.

May 10 có công nghệ sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu nên khi bị ảnh hưởng thì những điều trên không có nhiều ý nghĩa.

Doanh nghiệp thủy sản đang thiếu vốn để duy trì chế biến. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp thủy sản đang thiếu vốn để duy trì chế biến. Ảnh minh họa

Cùng chung cảnh ngộ, tình hình thị trường của các doanh nghiệp thủy sản cũng không mấy khả quan. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho hay: Khảo sát của Hiệp hội cho thấy, trong quý II/2023, doanh nghiệp không có đơn hàng, nguyên liệu cũng không dồi dào.

Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại, cả nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Hiện nay, có những doanh nghiệp chỉ sản xuất 3 ngày/tuần, hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá còn khó khăn hơn so với giai đoạn năm 2021, 2022 là thời điểm đỉnh dịch Covid-19. Dự báo tình hình khó khăn này có thể kéo dài tới hết năm 2023, thậm chí sang đến hết quý I/2024.

Duy trì các chính sách trợ lực

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam đề xuất, các cơ quan chức năng sớm thông qua và triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); giãn, hoãn biểu giá thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ …

 

Với doanh nghiệp tiền là máu, doanh nghiệp thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu. Doanh nghiệp thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí phải ngừng hoạt động. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng, vừa an toàn và hiệu quả trong thời gian tới.

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam 

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục phần nào khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nhất là hạn chế sự bị động từ tín hiệu thị trường, hiệp hội đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành cung cấp thường kỳ thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất, nhập khẩu lớn; kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức, giúp doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng phù hợp.

Ngoài ra, cần khẩn trương tiến hành đối thoại công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống cả về nhập khẩu và xuất khẩu đều gặp khó khăn. Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới phát sinh, nhất là xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu.

Với giải pháp trước mắt, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là duy trì dòng tiền. Ngoài các phương án thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều mặt về chính sách.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh Nhà nước nên khẩn trương có các thông tư hướng dẫn, thi hành các Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Hiện, các văn bản mặc dù đã ban hành nhưng không có thông tư hướng dẫn về giải ngân, vay vốn nên các việc thực thi bị chậm trễ.

“Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” - TS. Tô Hoài Nam kiến nghị.

Trước những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần nhận diện, xác định các cơ hội và thách thức để tái cơ cấu, đổi mới thể chế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Về phía doanh nghiệp, cần tập trung khai thác tốt thị trường nội địa do vẫn còn dư địa gia tăng trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

 

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chỉ 35% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo (2024, 2025). Như vậy, có tới 65% doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng. Thậm chí, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.