Cẩn trọng bệnh truyền qua thực phẩm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở nhiều người; nếu không phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cẩn trọng bệnh truyền qua thực phẩm.
Cẩn trọng bệnh truyền qua thực phẩm.

Nhiễm sán dây vì ăn thịt bò tái, rau sống

Ngày 14/11, Bệnh viện (BV) Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư) đã tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.S. (64 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) nhập viện với các triệu chứng bất thường đường tiêu hóa. Theo tìm hiểu, người phụ nữ này có thói quen hay ăn thịt bò tái, rau sống.

Tại chuyên khoa Ký sinh trùng, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh và được chỉ định các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Kết quả xác định bệnh nhân bị nhiễm sán dây. Sau đó, bệnh nhân đã được bác sĩ tại khoa Khám bệnh tư vấn và điều trị.

Theo các bác sĩ, bệnh sán dây (taeniasis) là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng sán. Sán dây có trong nhiều món ăn, ví dụ sán dây bò có thể xuất hiện ở món phở bò tái, gỏi, nộm và salad bò, bò bít tết tái…

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Khi đầu sán bám vào niêm mạc ruột sẽ kích thích gây viêm tại chỗ đồng thời sán tiết ra kháng nguyên vào máu sẽ sinh ra kháng thể đặc hiệu. Bệnh sán dây có thể khỏi hoàn toàn khi được chẩn đoán đúng và điều trị thuốc đặc hiệu tại các BV chuyên khoa.

Chủ động phòng tránh bệnh

Trước đó, tại BV Đại học Y Hà Nội ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T. (Hà Tĩnh) khỏe mạnh nhưng bỗng nhiên bị liệt nửa người. GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, gây nên những khối u bên trong, dẫn tới bị liệt. Điều này do bệnh nhân thường ăn các loại gỏi thủy hải sản.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân không ăn rau sống, ăn uống sạch sẽ vẫn bị nhiễm ký sinh trùng. Đó là bệnh nhân B.T.T. (50 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La) vô cùng bất ngờ khi điều trị tại BV E nhận được kết quả mắc ký sinh trùng giun lươn. Bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, BV E khẳng định, giun lươn thường lây qua da, vào mạch máu (tĩnh mạch) và cũng có thể lây qua đường ăn uống. Vì vậy, nhiều người dù ăn uống rất sạch sẽ nhưng vẫn nhiễm bệnh, có thể do tiếp xúc với đất, nhặt rau có ấu trùng…

Với giun đũa chó mèo bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn phân chó mèo có chứa ấu trùng hoặc ăn các loại rau sống có chứa ấu trùng này.

“Để phòng bệnh, chúng ta phải ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, cần uống thuốc tẩy giun định kỳ, khi lao động cần phải có đồ bảo hộ vì có ký sinh trùng lây nhiễm qua da” - bác sĩ Vũ Mạnh Cường khuyến cáo.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các loại ký sinh trùng phổ biến gây bệnh cho người truyền qua thực phẩm gồm: Lỵ a míp, giun tròn, giun móc, sán dây, sán lá. Các ký sinh trùng nhiễm vào thực phẩm, nước uống được đưa vào trong đường tiêu hóa của người ở dạng ký sinh trùng trưởng thành, trứng hoặc ấu trùng, rồi phát triển nhân lên, gây bệnh cho người.

Bệnh lý xuất hiện do ký sinh trùng ký sinh chiếm chất dinh dưỡng của cơ thể người hoặc ký sinh lạc chỗ gây nên các hội chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng thiếu máu, hội chứng viêm dạ dày, ruột, viêm đại tràng và tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Để phòng tránh bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, gỏi cá sống… Đồng thời bảo đảm vệ sinh để nguồn nước ăn, nước rửa không bị ô nhiễm ký sinh trùng; vệ sinh môi trường; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân...