Cẩn trọng khi điều chỉnh chính sách tiền tệ

TS Phan Văn Thường - Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ chế, quy định vận hành nền kinh tế đòi hỏi phải phù hợp với thực tiễn hoạt động của thị trường. Nhưng không thể chạy theo thị trường và càng không thể bị lái bởi các nhóm lợi ích.

Cẩn trọng khi điều chỉnh chính sách tiền tệ - Ảnh 1
Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Hải Linh

Thị trường tài chính đang nổi lên điều gì?

Thị trường tiền tệ càng về cuối năm càng căng như dây đàn. Thanh khoản của nhiều ngân hàng khó khăn. Bằng chứng là lãi suất cho vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng (liên ngân hàng) kỳ hạn 1 tháng bị đẩy lên gần 11%, mức cao chưa từng có trong nhiều năm nay. Mặc dù kiên định với room tín dụng ở mức 14% trong năm 2023, nhưng áp lực nhu cầu vốn của thị trường buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải công bố nâng room thêm 1,5 - 2%.

Được nới room nhưng huy động tiền gửi khó khăn, buộc nhiều ngân hàng đua nhau liên tục tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt với các ngân hàng cổ phần tư nhân không có lợi thế thu hút nguồn vốn CASA. Theo công bố, hiện tại lãi suất tiền gửi 12 tháng của 17 ngân hàng tư nhân ở mức 9,3 – 10%. Lãi suất tiền gửi tăng cao phổ biến từ tháng 10 tới nay đã đẩy lãi suất cho vay lên mức phổ biến hiện tại lên 13-15%, sẽ hết sức rủi ro cho chính sách chống lạm phát của NHNN.

Trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) tâm lý của nhà đầu tư chưa có xu hướng ổn định. Chỉ số giá cổ phiếu biến động thất thường, không theo xu hướng thế giới và cũng không theo kết quả kinh doanh của DN niêm yết. TTCK biến động mạnh do phụ thuộc quá lớn vào dòng tiền đầu cơ. Đầu cơ là nguyên nhân lũng đoạn. Tình trạng thao túng giá của cổ phiếu chưa thể kiểm soát. Thao túng giá không chỉ câu chuyện mở nhiều tài khoản để đẩy giá mà công bố thông tin tốt để đẩy giá. Cách đẩy giá này xẩy ra nhưng chưa thấy động thái xử lý của cơ quan giám sát thị trường.

Chẳng hạn, vụ 3 cha con của Chủ tịch công ty cổ phần đầu tư Nam long (và 1 công ty con) đăng kí mua 4,9 triệu cổ phiếu NLG từ ngày 18/11 đến ngày 17/12/2022 nhưng hết hạn không mua cổ phiếu nào cả. Tại sao đăng ký mua lại không mua? Có phải đây là một hình thức thao túng không? Nếu không có chuyện đăng ký mua 4,9 triệu cổ phiếu thì chắc chắn không có chuyện giá cổ phiếu NLG tăng từ 17.460 đồng lên 30.700 đồng, tỷ lệ tăng 75,83% từ 15/11 đến 19/12, trong đó có 4 phiên tăng trần liên tục từ 16-19/11.

Đối với trái phiếu bất động sản (TPBĐS), dù khối lượng phát hành đến hết tháng 11/2022 chỉ chiếm 28,59% tổng khối lượng TPDN, nhưng đang báo hiệu rủi ro lớn cho trái chủ vì dòng tiền của chủ phát hành đang bế tắc. Do bế tắc nguồn tiền trả lãi và gốc đáo hạn trong năm 2023 nên các DNBĐS đang hết sức gây sức ép lên Chính phủ qua phương tiện truyền thông để được “cứu”. Bên cạnh bế tắc trả nợ TP, một số DNBĐS có hiện tượng huy động vốn TP sai phạm, sử dụng vốn TP sai mục đích sẽ bị áp lực nặng nề bởi chương trình thanh tra TPDN của Thanh tra chính phủ vào đầu năm 2023 đã công bố chính thức.

Cứu hay không cứu trái phiếu BĐS đã có các động thái khác nhau từ Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN. Nhưng nếu cứu thì nên cứu bằng cách nào mới là câu chuyện khó. Vấn đề là ở chỗ, không và không thể lấy tiền của ngân sách nhà nước để cứu vở nợ của TPBĐS. Người dân không có nghĩa vụ đóng thuế để cứu DN tư nhân vở nợ. Gần đây đã có đề xuất, rằng Chính phủ nên lấy nguồn vốn đầu tư công chưa giải ngân để mua lại TPBĐS? Đây là đề xuất chỉ biết lợi ích nhóm DNBĐS và không hiểu biết cơ chế của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Các DNBĐS khó về dòng tiền không nên đổ lỗi cho câu chuyện siết room tín dụng của ngân hàng mà trước hết đó là bài học đắt giá của tham vọng đầu cơ để kiếm lợi nhuận khủng. Sử dụng đòn bẩy vay nợ quá mức để mua bán dự án, chủ yếu phát triển nhà ở cao cấp phục vụ đầu cơ với giá trên trời, cái gì đến nó đã đến. Đó là câu chuyện 2 mặt của thị trường. Nhưng DNBĐS có “chết” chỉ chết khi bị Thanh tra khui ra vi phạm pháp luật phát hành TPDN, còn không, sẽ còn cơ hội hoạt động khỏe nếu chấp nhận cấu trúc lại cơ cấu hàng tồn kho và cơ cấu sản phẩm BĐS phù hợp.

Không khéo “gậy ông đập lưng ông”

Đối với thị trường tiền tệ, NHNN đã quyết định tăng room tín dụng năm 2022 thêm 1,5- 2%. Điều đó không đồng nghĩa khuyến khích các ngân hàng đẩy dư nợ hết room được giao. Việc NHNN ưu tiên tăng room tín dụng cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là chủ trương điều hành hợp lý. Tuy vậy, NHNN cũng cần có động thái rõ ràng việc xử lý các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi và đẩy lãi suất cho vay lên cao.

Thiếu tiền của nền kinh tế trong thời gian gần đây thực chất là thiếu thanh khoản, do các kênh TTBĐS, TTCK kém thanh khoản, trong khi tỷ giá ngoại tệ tăng khuyến khích đầu cơ ngoại tệ ngầm. Chưa có tín hiệu trên thị trường thế giới và trong nước chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát vào nửa đầu năm 2022. Cho nên, tăng room tín dụng cần hiểu là tăng vốn đầu tư vào nền kinh tế chứ không đồng nghĩa tăng cung tiền vào nền kinh tế.

Ngược lại, NHNN cần sử dụng công cụ thị trường mở một cách linh hoạt, kết hợp vừa hút vừa bơm tiền vào lưu thộng để đạt mục tiêu kép. Một mặt, NHNN bán tín phiếu ngắn hạn để hút bớt tiền đối với ngân hàng dồi dào thanh khoản. Mặt khác, đây là thời điểm dòng kiều hối đổ về lớn, tỷ giá tương đối ổn định, nên NHNN bơm tiền ra thông qua mua ngoại tệ. Việc này là cần thiết để NHNN có tăng dự trữ ngoại tệ bù đắp khối lượng ngoại tệ dự trữ đã bán ra can thiệp tỷ giá hồi tháng 10 vừa qua.

Đối với TTCK, vấn đề hiện nay là ổn định tâm lý nhà đầu tư nói chung, đặc biệt lòng tin nhà đầu tư TPDN nói riêng. Cụ thể là phải tăng cường kiểm soát TTCK và bảo vệ được quyền lợi nhà đầu tư. Các DNBĐS sẽ khó khăn phát hành TPDN riêng lẻ khi một số vụ án vi phạm pháp luật phát hành TPDN chưa được xét xử và người mua TP được bảo vệ quyền lợi.

Thực tế hiện nay, DNBĐS không phát hành được TPDN riêng lẻ không phải do siết chặt của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 53/2020/NĐ-CP mà do mất lòng tin của nhà đầu tư. Nguyên nhân mất lòng tin của nhà đầu tư do các DNBĐS vi phạm pháp luật. Nhưng DNBĐS vi pham pháp luật là do tiếp sức của quy định lỏng lẻo bởi Nghị định 53/2020/ NĐ-CP.

Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian hiệu lực của Nghị đinh 65/2022/NĐ-CP đến đầu năm 2024, tức đồng nghĩa vẫn tiếp tục công nhận lỗ hổng của Nghị định thêm một năm nữa. Vậy thử hỏi việc này Bộ Tài chính đang bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hay đi theo sức ép của DNBĐS?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần