Vụ việc 10 tấn collagen và các loại TPCN giả sản phẩm sữa ong chúa, nhau thai cừu… bị lực lượng quản lý thị trường và công an TP Hà Nội bắt quả tang trên đường đi tiêu thụ vẫn chưa có hồi kết. Bởi thực tế, nhiều sản phẩm có thể đã kịp tung ra thị trường trước khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, trong khi người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái. Theo các chuyên gia y tế và thực phẩm, tác hại của việc dùng phải hàng giả, hàng nhái là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là các loại thực phẩm như sữa, sâm, các loại TPCN làm đẹp, bồi bổ cơ thể. Người bị nhẹ thì sẽ không cảm thấy thuốc có tác dụng, người bị nặng có thể xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường như tiêu chảy, ngộ độc, nôn ói hoặc nặng nữa là trụy tim mạch, giảm huyết áp hoặc khó thở, dị ứng… Thực tế, qua công tác thăm khám, các bác sĩ của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) đã gặp không ít các ca ngộ độc, bị dị ứng các loại TPCN. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, nếu như trước đây, dị ứng xảy ra chủ yếu ở nhóm thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm, thì vài năm vừa qua, dị ứng gặp nhiều ở bệnh nhân dùng thuốc chữa bệnh gút, các sản phẩm bổ máu và đặc biệt là TPCN. Đa số người bệnh nghĩ TPCN an toàn vì được chiết xuất từ thảo dược, nhưng con số thống kê tại Trung tâm lại cho thấy, bệnh nhân ngộ độc, dị ứng đang tăng rõ ở người dùng TPCN. Tại Trung tâm, bệnh nhân dị ứng vì TPCN rất đa dạng: Người chọn TPCN để làm đẹp, tăng cân, giảm cân, tăng sinh lý, điều trị bệnh hiểm nghèo..., thậm chí nhiều người nhập viện vẫn không thể hiểu vì sao TPCN cung cấp tế bào gốc, tăng sức đề kháng, miễn dịch lại có thể gây bệnh. Đề cập đến vấn đề sử dụng TPCN, PGS. TS. Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng, người dân thường nhầm lẫn giữa TPCN và thuốc. Vì vậy, khi sử dụng, mọi người nên tư vấn bác sĩ, dược sĩ cũng như chuyên gia thực phẩm, dinh dưỡng. “TPCN cần hiểu đúng và dùng đúng, nếu không thì có thể gây hại cho mọi người” - PGS.TS Trần Đáng lưu ý.