Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng khi dùng thuốc nhỏ mũi

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi bị các chứng ngạt mũi, sổ mũi, viêm mũi, khô mũi, nhiều người thường tự mua thuốc nhỏ mũi và sử dụng vô tội vạ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc nhỏ mũi không đúng cách rất nguy hiểm, thậm chí làm ảnh hưởng tới tim mạch, huyết áp và trí tuệ.

Điếc tai, viêm xoang do thuốc nhỏ mũi

Cháu Nguyễn Văn T. 10 tuổi (quận Ba Đình) thường bị nghẹt mũi khi thay đổi thời tiết. Được người quen mách, gia đình mua thuốc Naphazolin về nhỏ cho cháu. Lúc đầu cháu thở tốt, nhưng sau đó cứ không có thuốc là cháu không thở được dù đã được nạo VA và cắt amydan. Trong hơn một năm, cháu đã sử dụng trên 1.000 lọ thuốc. Đi khám, bác sĩ cho biết, không chỉ mũi cháu bị hỏng mà còn bị biến chứng viêm xoang, viêm tai và ảnh hưởng tới huyết áp, cân nặng do dùng quá nhiều thuốc. Còn anh Phạm Văn N, 47 tuổi (quận Đống Đa) lại đến khám trong tình trạng nghẹt mũi, mất thính giác, đau đầu, huyết áp tăng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của anh là do nhỏ quá nhiều thuốc nhỏ mũi co mạch. PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết, ngày nào bà cũng khám cho vài người bị biến chứng do dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài, thường là các loại thuốc co mạch như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, Oxymetazolin....
 Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân chủ quan với các triệu chứng ho, ngạt mũi kéo dài, tự mua thuốc về điều trị. Đến khi bệnh nặng, khó điều trị mới đến viện thì đã muộn. Trong khi đó, đây là bệnh thường gặp không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn có cơ địa dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp mạn tính, phụ nữ mang thai, người có bệnh hen suyễn mạn tính... Bệnh thường bắt đầu bằng những cơn ho dai dẳng, ngạt mũi, hắt hơi liên tục... Tuy ít nguy hiểm đến tính mạng song nếu bệnh nhân chủ quan, đi khám, điều trị muộn, chứng ho dai dẳng kéo dài do dị ứng, kích ứng với môi trường, thời tiết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế đã có nhiều bệnh nhân khi bị ho, ngạt mũi tự ý mua thuốc nhỏ, thuốc hít, xịt..., lạm dụng các loại thuốc này, bệnh từ cấp tính chuyển thành mạn tính. Thậm chí có người còn bị biến chứng viêm mũi, mất khả năng nhận biết mùi. Theo PGS.TS Dinh, hầu hết bệnh nhân tự ý sử dụng hoặc dùng lại đơn thuốc cũ trong thời gian kéo dài từ nhiều tháng đến vài năm. Những thuốc này khi nhỏ hoặc xịt vào mũi, có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở nên rất nhiều người đã tự ý mua dùng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên, kéo dài không chỉ dẫn tới tình trạng lệ thuộc vào thuốc mà còn khiến cuốn mũi giãn nở to liên tục, không còn co lại được, gây ra hiện tượng viêm mũi. Trong trường hợp đó, phải phẫu thuật đốt cuốn mũi dưới bằng điện hoặc bằng laser, cắt bỏ cuốn dưới một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả. Đặc biệt, khi mũi bị viêm, bệnh nhân phải thở bằng miệng, không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm; do vậy rất dễ gây ra viêm họng và viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi. Hơn nữa, mũi không thông sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ, nghỉ ngơi, giảm hiệu suất làm việc. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc co mạch kéo dài còn dẫn tới béo phì, ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu và ảnh hưởng tới trí tuệ...

Tuân thủ chỉ định

PGS.TS Dinh cảnh báo, đã có nhiều trẻ bị ngộ độc, thậm chí tử vong do dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, đặc biệt là thuốc Naphazoline. Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 90%) do nhỏ quá liều và không đúng chỉ định. Bệnh nhi thường nhập viện 30 phút đến 6 giờ sau khi sử dụng thuốc, với các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, mất phản xạ, ức chế trung tâm hô hấp... Vì vậy, để tránh các tai biến do ngộ độc Naphazoline, không nên cho trẻ dưới 7 tuổi dùng thuốc này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc để điều trị.

Theo PGS.TS Dinh, ngạt mũi, chảy mũi ở trẻ em rất hay xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân có thể do viêm mũi cấp, viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi teo, lệch vách ngăn, khối u trong mũi, chấn thương... Khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ngoài việc tìm các nguyên nhân để điều trị, cha mẹ cần nhỏ thuốc tại chỗ cho trẻ. Có nhiều loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi trên thị trường, nhưng thận trọng khi dùng cho trẻ, trước khi dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ. Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc co mạch đang ngày càng nhiều do người dùng chưa hiểu rõ tác dụng và tác hại. Thuốc co mạch có hoạt chất là Xylometazoline 0.05% - 0.1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B...). Đây chỉ là thuốc tạm thời giảm nghẹt mũi, giảm triệu chứng khó chịu, có tác dụng hỗ trợ, không phải là thuốc trị bệnh, không giải quyết tận gốc cơ chế sinh bệnh. Việc dùng thuốc này lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc mũi gây ra bệnh viêm mũi do thuốc.

PGS.TS Dinh khuyến cáo, khi bị ngạt mũi, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và xác định bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc co mạch cho trẻ bởi dễ dẫn đến những hậu quả khó lường.