Cẩn trọng với phụ gia thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân dù ít hay nhiều đều dung nạp một lượng phụ gia thực phẩm (PGTP) nhất định.

Với trẻ em thì chất phụ gia nằm trong các sản phẩm bánh kẹo, đồ hộp, kem, đồ uống, thức ăn nhanh…, hay ngay trong sữa bột. Với người lớn thì quá trình chế biến thức ăn hàng ngày đều dùng tới PGTP như hạt nêm, mì chính, ngũ vị hương… Việc chế biến thức ăn càng đa dạng thì càng cần nhiều loại phụ gia đi kèm.

Mua bán “vô điều kiện”

Theo thống kê, tại Việt Nam có 23 nhóm PGTP, bao gồm 337 chất được phép sử dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng trong chế biến thực phẩm đang ngày một tăng, những loại phụ gia trôi nổi, không nguồn gốc vẫn tràn ngập thị trường với giá rẻ.
Chất phụ gia bày bán tại một sạp hàng trong chợ Đồng Xuân.
Chất phụ gia bày bán tại một sạp hàng trong chợ Đồng Xuân.
Dạo một vòng quanh chợ Đồng Xuân, PGTP được bày bán rất đa dạng, từ loại phụ gia tạo độ giòn cho bì thịt quay, tạo màu tự nhiên cho chả lụa, tạo độ tươi ngon cho thực phẩm, đến hương liệu cho các loại đồ uống như nước dâu, táo, ca cao... Tất cả đều được bán “vô điều kiện”, miễn là người mua có nhu cầu.

Không nhãn mác, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực trạng chung của nhiều loại PGTP đang được bày bán trên thị trường. Cũng theo các chủ cửa hàng, phụ gia “ba không” này bán chạy là bởi giá rẻ hơn từ 10 - 15 lần so với PGTP nằm trong danh mục cho phép. Đơn cử như để làm ra một mẻ bún, phở trắng, vừa giòn vừa dai bắt buộc phải dùng đến PGTP. Nhưng loại nằm trong danh sách cho phép của Bộ Y tế có giá đắt mà tác dụng không ổn định nên đa phần người sản xuất thường mua hàn the với giá chỉ có 15.000 đồng/kg...

Không nên lạm dụng

Chất phụ gia có tác dụng làm món ăn trở nên ngon hơn, bắt mắt hơn nhưng các chuyên gia khẳng định nó không có chất dinh dưỡng, nếu sử dụng một cách bừa bãi và quá lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra dẫn chứng cụ thể về mức độ nguy hại của hàn the: Đó là chất tạo độ dai giòn, giúp tăng thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, hàn the là chất cực độc, bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Khi hàn the vào cơ thể, nó tích tụ trong gan, thận, gây tổn thương cho các bộ phận này. Ngoài ra, hàn the còn làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1 - 2g/kg thể trọng có thể dẫn đến tử vong sau 10 - 12 giờ.

Chính vì vậy, để đảm bảo ATTP cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng phải chủ động tìm hiểu về những khuyến cáo khi sử dụng PGTP, như tuyệt đối không được dùng bột ngọt cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và không dùng quá 2g/ngày (tương đương nửa thìa) với người lớn. Mặt khác, nên hạn chế ăn các loại thức ăn có nhuộm phẩm màu, hạn chế dùng đường hóa học trong chế biến thức ăn, nước uống (nên thay thế bằng các loại đường chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như mía, củ cải đường). Khi lựa chọn thực phẩm nên đọc kỹ nhãn mác để biết thành phần, nếu thấy có nhiều ký hiệu phức tạp chứng tỏ đó là sản phẩm có nhiều chất phụ gia, không nên lạm dụng.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, nhà sản xuất và người chế biến thực phẩm cần mua PGTP trong danh sách của Bộ Y tế, có độ tinh khiết cao, mua tại các cơ sở có địa chỉ rõ ràng và sử dụng theo đúng tỷ lệ quy định. Khi sử dụng, nhà sản xuất phải ghi rõ tên phụ gia sử dụng, giới hạn sử dụng trong hồ sơ đăng ký đã được phê duyệt bởi cơ quan y tế có thẩm quyền.
Việc lạm dụng các PGTP, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc đang khiến dư luận lo lắng. Trong đợt kiểm tra chất lượng bánh Trung thu tới, các đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm chất phụ gia. Nếu phát hiện sai phạm, cơ sở sản xuất sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Trần Ngọc Tụ Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội