Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng với vật tư y tế giả

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến các mặt hàng vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như găng tay, nước sát khuẩn, khẩu trang… tăng giá chóng mặt.

 Cùng với đó là hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn đến tình trạng vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Tràn lan hàng giả

Mới đây, ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một lô hàng nước sát khuẩn tay có nhãn hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa, giả mạo số đăng ký lưu hành đối với sản phẩm Asirub của Công ty CP Dịch vụ và Thiết vị y tế An Sinh. Cụ thể, tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại sảnh số 1, Tòa nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ 15 thùng (tương đương 300 chai 500ml) nước sát khuẩn tay mang nhãn hiệu Asirub theo công dụng trên thân chai "chế phẩm sát khuẩn tay nhanh dùng trong gia dụng và y tế". Đặc biệt, trên vỏ chai có dán "xác thực chống hàng giả" với các mã số, tem, vạch đầy đủ.
 Người dân chọn mua khẩu trang y tế tại một cửa hàng trên phố Hoàng Ngọc Phách. Ảnh: Công Hùng
Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã liên lạc với đại diện đăng ký và phân phối nhãn hiệu Asirub là Công ty CP Dịch vụ và Thiết bị y tế An Sinh (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) để xác định dấu hiệu thật, giả của lô hàng đang bị thu giữ. Tại đây, đại diện công ty đã mang một sản phẩm chính hãng do công ty sản xuất để so sánh với sản phẩm bị thu giữ.
Theo quan sát bằng mắt thường, các thông số được in trên sản phẩm bị thu giữ tương đối giống với sản phẩm chính hãng. Sản phẩm bị thu giữ có dấu hiệu giả mạo từ chỉ dẫn tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa, giả mạo mã số đăng ký lưu hành đối với sản phẩm Asirub của Công ty CP Dịch vụ và Thiết bị y tế An Sinh.
Bên cạnh đó, màu sắc của hai sản phẩm cũng có sự khác nhau. Sản phẩm thật có màu cam nhạt, còn sản phẩm giả mạo Asirub có sắc cam đậm nét hơn. Làm việc với Đội Quản lý thị trường số 14, đối tượng vi phạm khai nhận toàn bộ số hàng hóa được nhập về để giao lên khu vực Hapulico đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh.

Tương tự, cơ quan chức năng vừa phát hiện trường hợp vật tư y tế giả là găng tay. Ngày 15/5, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và phát hiện một kho hàng tại địa chỉ 61 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ chứa gần 3 tấn găng tay y tế xuất xứ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính chủ kho hàng số tiền 12 triệu đồng với lỗi buôn bán hàng hóa không rõ hóa đơn chứng từ. Giá trị lô hàng khoảng 1 tỷ đồng. Lực lượng chức năng xác định chủ kho hàng là Đào Văn T. (32 tuổi, trú tại xã Kim An, huyện Thanh Oai). Anh T. khai nhận số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng này để tiếp tục điều tra.

Trước đó, tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng đã lập biên bản thu giữ gần 2.000 khẩu trang y tế rởm do chủ cơ sở kinh doanh nhập lậu, nhái các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Mức phạt tù lên đến 15 năm

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định về các hành vi vi phạm hành chính về trang thiết bị y tế về sản xuất (Điều 73), mua bán (Điều 75), nhập khẩu (Điều 76) trang thiết bị y tế. Người vi phạm là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, tịch thu tang vật. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như thu hồi, tiêu hủy trang thiết bị y tế.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu trang thiết bị y tế thuộc một trong các nhóm hàng giả đó thì được xem là trang thiết bị y tế giả và hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 11 và Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định: Tùy thuộc vào giá trị của số lượng hàng giả vi phạm (được tính dựa trên giá trị của số lượng hàng thật tương đương), người (cá nhân) có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 - 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và từ 400.000 - 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, nếu hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung đủ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội sản xuất buôn bán hàng giả, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động.
Cụ thể: Mức phạt tiền là 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân phạm tội và 1 - 9 tỷ đồng đối với pháp nhân phạm tội. Mức phạt tù đối với cá nhân phạm tội từ 1 - 15 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi; pháp nhân phạm tội thì có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn.

Trong khi đó, luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thông tin, hiện nay, việc buôn bán vật tư y tế giả còn được bán tràn lan trên các nền tảng công nghệ. Số lượng các cửa hàng, trang web, tài khoản xã hội và tài khoản thư điện tử rao bán trực tuyến các mặt hàng này. Vì thế, người dân cần phải bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng với mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm vật tư y tế nhằm phục vụ việc phạm tội.

"Người dân cần tìm hiểu và mua bán các sản phẩm vật tư y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép có uy tín để tránh mua, bán phải hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc." - Luật sư Luân Thị Nương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội