Cần tung ngay gói ngân sách hỗ trợ lãi suất tín dụng

TS.Phan Văn Thường - Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để cứu doanh nghiệp (DN)“sống” và vực dậy lúc này không thể không đòi hỏi Chính phủ phải tung ra một gói ngân sách bổ sung, cùng với gói của ngân hàng nhằm hỗ trợ lãi suất tín dụng đủ sâu.

Về gói hỗ trợ này, tại một cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính (BTC) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 này. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói: “ Nếu các đồng chí ngại thì để các cơ quan Quốc hội làm”…
Gói miễn, giảm, hoãn tiền nộp thuế hiệu quả thấp?

Sáng 16/9 tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình chính sách miễn, giảm, hoãn tiền nộp thuế năm 2021 cho các DN, người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19. Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ của gói ngân sách này dự kiến là 21.300 tỷ đồng. Tuy nhiên có 5.300 tỷ đồng là miễn tiền phạt bao gồm: Phạt chậm nộp thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 và 2020. Thực chất đây là cho giản thuế chứ không phải là miễn, giảm thuế như tên gọi của gói hỗ trợ này. Nên thực tế gói miễn, giảm thuế chỉ là 16.000 tỷ đồng chứ không phải là 21.300 tỷ đồng.
Trong 16.000 tỷ đồng nói trên dành 5.000 tỷ đồng để giảm 30% thuế giá trị gia tăng phát sinh từ 1/10/2021-31/12/2021 đối với một số ngành, lĩnh vực như: vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, nghệ thuật, giải trí,… Trong thời gian theo quy định rõ ràng hoạt động các ngành, lĩnh vực này chỉ khởi động lại từng phần, từng giai đoạn, theo lộ trình mở cửa kinh tế của Chính phủ. Thực tế đó sẽ dự báo hàng hóa, dịch vụ bán ra của các DN là hạn chế. Cho nên chính sách giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho DN không có ý nghĩa nhiều.
 Những gói tín dụng hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Công Hùng
Tiếp đến dành 8.800 tỷ đồng để miễn thuế thu nhập và các loại thuế khác đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh các tháng trong quý 3, quý 4, là chính sách cần thiết. Nhưng cũng phải thấy rằng đa số các trường hợp thuộc diện được miễn thuế đó có thu nhập nộp thuế đâu mà miễn nộp. Tuy nhiên, nếu miễn thuế thu nhập cá nhân kinh doanh chứng khoán là điều cần xem xét. Thị trường chứng khoán không ngừng giao dịch ngày nào để chống dịch covid-19. Dịch bệnh càng nặng nề thì giá cổ phiếu càng tăng chóng mặt. Tại sao BTC lại đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân đã không loại trừ lĩnh vực kinh doanh chứng khoán? Đó là điều khó hiểu.

Chỉ dành 2.200 tỷ đồng để giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021 đối với DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và doanh thu giảm so với năm 2020. Đây cũng là chính sách giảm thuế không tác động nhiều trong hỗ trợ DN vực dậy sản xuất, kinh doanh. Bởi vì 3 - 4 tháng phong tỏa chống dịch bệnh các DN đều phải đóng cửa/ đóng cửa một phần. Một số DN duy trì được sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” thì chi phí phát sinh rất cao. Nói chung hàng loạt DN không có lợi nhuận/lợi nhuận rất thấp trong năm 2021. Điều đó cũng có nghĩa nhiều DN được giảm thuế TNDN cũng như không/ lợi không đáng kể.

Cần gói ngân sách tiếp sức gói ngân hàng

Theo NHNN, số lợi nhuận mà các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch đợt 4 này dự kiến hơn 24.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta dự kiến 70% dư nợ của nền kinh tế thuộc diện ảnh hưởng dịch bệnh thì với 24.000 tỷ đồng đó sẽ hỗ trợ giảm lãi khoảng 0,34%/năm, tính bình quân. Bản thân Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng vẫn nhiều giới hạn. Việc giảm lãi cho khách hàng mức bao nhiêu là tùy tâm chia sẽ của từng ngân hàng, NHNN không thể ép buộc họ. Thực tế sẽ cho thấy chính sách miễn, giảm lãi của ngân hàng triển khai không đủ sức cứu các DN “sống” lại, chứ chưa nói đến DN vực dậy để phát triển bình thường.

Tại sao BTC và NHNN chưa có động thái tích cực về gói hỗ trợ này? Trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tỏ thái độ nghiêm túc yêu cầu BTC và NHNN phải nghiên cứu trình để Quốc hội quyết đinh sớm. Có phải các nhà quản lý ngại rủi ro, sợ phát sinh tiêu cực và đề xuất phương án thực hiện sẽ phức tạp? Câu chuyện này một số chuyên gia cũng ngại vì họ cho rằng việc dùng gói ngân sách hỗ trợ giảm lãi suất tín dụng đã không thành công vào năm 2009.

Năm 2009 Chính phủ dùng 16.000 tỷ đồng (gói 1) hỗ trợ giảm 4% lãi suất tín dụng qua các ngân hàng. Bối cảnh hỗ trợ năm 2009 và hiện nay là khác nhau về bản chất hỗ trợ. Các DN hiện nay “chết” do đóng băng sản xuất, kinh doanh vì dịch chứ không phải “chết” do mất khả năng trả nợ vì lãi vay siêu cao như năm 2008. Nên nhớ, năm 2007 tín dụng tăng trên 35% và năm 2008 con số này trên 40%. Tăng trưởng tín dụng “nóng” nên từ tháng 6/2008 lãi suất cho vay đã đẩy lên mức trên 20%/năm, có ngân hàng cho vay thỏa thuận đến 23%/năm; lãi suất tiền gửi nhảy lên 14 - 15%/năm.

Khi được hưởng gói tín dụng này phần lớn DN dùng để đảo nợ (vay nợ mới trả nợ cũ), hoặc trả được nợ thì quay lại gửi ngân hàng hưởng lãi cao. Thực tế do thủ tục phức tạp nên không phải DN nào cũng tiếp cận được gói hỗ trợ đó, chính đây đã nẩy sinh tiêu cực. Một số chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ ngân sách năm 2009 đã quá dàn trải là đánh giá chưa thực tế. Cho nên họ cho rằng gói hỗ trợ ngân sách lần này cần tránh dàn trải, đại trà, mà tập trung cho các nghề có thế mạnh riêng thì lại thiếu thực tế hơn.

Trong khi hàng triệu DN phía Nam như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang thoi thóp, trước mắt cần được cứu rồi mới tính đến phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Vấn đề tức khắc bây giờ của DN là dòng tiền để duy trì quy mô sản xuất có thể, để chắp nối lại chuỗi cung ứng, để duy trì đội ngũ lao động, chứ không phải là lợi nhuận. Muốn vậy DN phải tiếp tục được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Để vay ngân hàng thì hồ sơ tín dụng phải tốt. Với mức các ngân hàng dự kiến hỗ trợ giảm lãi tính ra khoảng 0,34%/năm (tính bình quân) như nói trên là không thể.

Vấn đề là gói ngân sách hỗ trợ lãi suất tín dụng cần quy mô bao nhiêu và triển khai thế nào? Đây là vấn đề sẽ có nhiều quan điểm khác nhau. Phía BTC sẽ khó khi cho rằng nguồn ngân sách chi chống dịch rất lớn, trong khi hụt thu cũng lớn. Trong khi các ngân hàng còn liên quan sự đồng tình của cổ đông trích lợi nhuận nhiều hơn để giảm lãi cho khách hàng. Tuy nhiên quyết định cuối vẫn là Quốc hội. Theo tôi, bài tính lúc này đòi hỏi các ngân hàng phải hy sinh khoảng 35 - 40% lợi nhuận năm 2021 để giảm lãi cho được 1%/ năm, tính bình quân. Toàn bộ gói ngân sách dùng để trả lãi thay cho DN trong thời gian cơ cấu lại nợ. Trường hợp cho DN khoanh nợ thì 50% tiền lãi phát sinh trong thời gian khoanh nợ do gói ngân sách thanh toán và ngân hàng chịu 50% còn lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần