Internet môi trường cho tội phạm mạng “tấn công” trẻ em
Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra tại hội thảo Môi trường internet an toàn cho thấy, không gian mạng hiện là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trong đó khi đó, hiện Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, và có đến 2/3 các em có thể tiếp cận các thiết bị kết nối internet. Theo thống kê, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 tuổi có sử dụng internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi.
Số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững, khảo sát sau đại dịch Covid-19 cho thấy, độ tuổi trẻ em sử dụng internet đang giảm xuống ở 6 - 7 tuổi. Và có 87% trẻ 12 - 17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày. Cùng đó, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng internet và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet… Điều này cho thấy, các thiết bị điện tử và mạng internet đang trở thành môi trường thuận lợi cho tội phạm mạng và các nội dung xấu gây hại đến trẻ em phát triển và tồn tại.
Chia sẻ tại hội thảo Môi trường internet an toàn, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho biết, nhiều trẻ em khi gặp các vấn đề trên môi trường mạng thường không kể với ai, tự tìm cách khắc phục hoặc tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè thay vì nhờ tới sự giúp đỡ của thầy cô, cha mẹ hay các cơ quan chức năng.
“Cha mẹ cần đồng hành, giúp trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, dựa trên 6 nguyên tắc: Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền tiếp cận và sử dụng Internet; bắt đầu đồng hành cùng trẻ sử dụng internet an toàn càng sớm càng tốt; tôn trọng quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ; hiểu tâm lý và sự phát triển của trẻ để đồng hành cho phù hợp; hướng dẫn trẻ tiếp cận sự hỗ trợ khi cần thiết; sẵn sàng có mặt khi trẻ cần”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.
Làm sao để “trám lỗ hổng”?
Hiện nay, thanh thiếu niên là độ tuổi dễ tiếp cận internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Sự xâm hại đến quyền riêng tư và bảo mật của các em có thể dẫn tới các hệ lụy về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi...
Có 2 người con đang ở độ tuổi từ 12 - 17, chị Nguyễn Hồng Tươi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, việc sử dụng mạng internet của trẻ em bây giờ rất khác so với người lớn. Chúng thường truy cập vào các trang đích, hội nhóm chứ không lướt, dạo quanh thông tin như người lớn. Hơn nữa, chúng hoạt động ẩn mình, không sử dụng hình ảnh, tên thật, xóa lịch sử vào trang web… khiến cho cha mẹ muốn kiểm soát và bảo vệ trẻ trên mạng là hết sức khó khăn. Chính vì thế, các phụ huynh không được buông lỏng, cần có những phương pháp khéo léo, tìm hiểu các dịch vụ giám sát trẻ khi sử dụng internet.
“Đã đến lúc cần những “vắc xin” liều cao từ các cơ quan chức năng để giúp các em có thể “miễn dịch” với các nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường số. Qua đó, mang lại môi trường trong sạch, văn minh, tích cực trên các nền tảng để thanh thiếu niên có thể thỏa sức sáng tạo, học hỏi và chia sẻ quan điểm cá nhân”, chị Tươi nói.
Đề cập đến những giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tại chương trình Talkshow the Wise Talk với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Những lỗ hổng cần “trám”, ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho rằng, câu chuyện bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng sẽ liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Tuy vậy, giải pháp kỹ thuật phải giải quyết được hai vấn đề, đơn giản và dễ dùng.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, việc chặn một địa chỉ website hay ứng dụng không mong muốn rất dễ dàng nhờ chuyên môn của đội ngũ công nghệ thông tin và các thiết bị chuyên dụng. Về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết đang cố gắng có những chương trình kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ internet để khi một khách hàng mới bắt đầu sử dụng dịch vụ internet sẽ có luôn “bộ lọc” ở ngay đầu đường ống. Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc SCS khẳng định, để tạo ra một môi trường internet an toàn, cần sự kết hợp giữa giải pháp công nghệ và cha mẹ đồng hành.
“Cha mẹ làm bạn với con, hiểu con, tạo môi trường tương tác, con trẻ coi cha mẹ là những người bạn, như vậy chúng ta mới tạo ra được môi trường mạng an toàn cho trẻ”, ông Tuấn Anh cho hay.