Trong bối cảnh đó, xuất khẩu nông sản chính ngạch vẫn sẽ là kim chỉ nam, và các DN Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm giữ chữ tín. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ với PV Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Thương mại Việt - Trung đã cởi mở hơn
Những tháng đã qua của năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản số 1 của Việt Nam. So với năm trước, ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc?
- Trong năm 2022, nếu tôi nhớ không nhầm thì Trung Quốc đã 44 lần đưa ra những thay đổi về mặt kỹ thuật, thủ tục giao thương… Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2023 đến nay, số lần thay đổi từ phía nước bạn đã ít hơn hẳn.
Các vấn đề phát sinh trong xuất nhập khẩu nông sản đã được đôi bên giải quyết trên một nguyên tắc chung. Điều đó cho thấy mối quan hệ ngày một tốt hơn giữa cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, công thương, ngoại giao của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Từ câu chuyện xuất khẩu sầu riêng trong năm qua, chúng ta cũng có thể nhìn nhận những sự thoáng đạt hơn từ phía Trung Quốc. Phải thừa nhận rằng ở nhiều thời điểm, một số DN Việt Nam có vi phạm về mã số vùng trồng. Nếu như câu chuyện này xảy ra vào những năm trước, rất có thể Việt Nam đã bị đình chỉ xuất khẩu. Tuy nhiên lần này, nước bạn lựa chọn đối thoại, đưa ra cảnh báo để các DN khắc phục. Cá nhân tôi đánh giá đây là sự tôn trọng lẫn nhau để hướng đến cái chung.
Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về một số mặt hàng xuất nhập khẩu, mà trước nhất là dưa hấu, sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Dù vậy, vẫn còn những vấn đề đặt ra nhưng chưa được xử lý kịp thời, giống như câu chuyện xuất khẩu tôm hùm bông gây xôn xao dư luận mới đây, thưa ông?
- Đúng vậy. Câu chuyện nước bạn tạm ngừng nhập khẩu tôm hùm bông rõ ràng là tương đối bất ngờ. Nước bạn ban hành quy định và có hiệu lực ngay lập tức khiến nhiều DN Việt Nam không kịp xoay xở. Đáng lẽ quá trình chuẩn bị của việc cấm xuất nhập khẩu tôm hùm bông cần được dự báo từ trước, thông tin cho nhau trước để hạn chế thiệt hại cho người nuôi trồng.
Hay như tìm hiểu, tháng 8, 9/2023, Trung Quốc muốn Việt Nam xuất khẩu trái dừa, càng nhanh càng tốt. Thế nhưng quá trình tổ chức vận hành để đưa ra các yếu tố kỹ thuật thì chưa thực sự rõ ràng. Điều này khiến xuất khẩu trái dừa vẫn nằm trong “trạng thái chờ” và tốc độ không như lời bảo đảm về một sự hứa hẹn. Hai ví dụ nêu trên cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa hết lo ngại.
Xuất khẩu chính ngạch là kim chỉ nam
Ông đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc những tháng cuối năm 2023?
- Cá nhân tôi nhìn nhận giá trị xuất khẩu một số mặt hàng có thể tăng trong những tháng cuối năm 2023, trong đó nhiều nhất là rau củ tươi, trái cây, gia cầm, sẽ được nước bạn nhập khẩu rất nhiều giai đoạn giáp Tết. Đó là xu thế mà chúng ta có thể dự đoán được trên cơ sở văn hóa, tín ngưỡng của người dân Trung Quốc.
Dù vậy, không loại trừ khả năng bị thiếu hụt cục bộ một số nhóm nông sản nếu như việc lưu thông tại các cửa khẩu bị tắc nghẽn. Điều này không thể loại trừ bởi mỗi sản phẩm Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều mang tính bao trùm, tính thị trường, tính độc lập và có thể là cả tính chính trị. Chỉ có điều là chúng ta nhận diện thế nào để giải quyết kịp thời.
Điều đó cho thấy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc luôn đi kèm những yếu tố bất ngờ phải không, thưa ông?
- Đúng vậy. Trung Quốc đề ra định hướng lấy cung để cạnh tranh với cầu, có nghĩa là dùng hàng xuất khẩu có chất lượng cao, thậm chí là cao hơn cả chất lượng của hàng nội địa để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Phải hiểu rằng điều này không giống với quy luật kinh tế trước đây của Trung Quốc, giai đoạn nước bạn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu, mà yêu cầu đặt ra hiện nay là nhập khẩu nông sản chất lượng cao hơn để thúc đẩy bên trong. Đây được xem là chiến lược phát triển, giai đoạn chấn hưng lần thứ 2 của Trung Quốc và có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Thực tế hiện nay, một số mặt hàng của Trung Quốc đã vượt lên trên thế giới về năng suất, nhưng nước bạn vẫn cần phải đề phòng tình huống bất định xảy ra. Ví dụ, họ đã lai tạo ra giống lợn có thể nuôi nặng đến 800kg nhưng lại chưa nhân rộng, mà coi đây là một mặt hàng chiến lược. Từ đó, phải khẳng định xuất nhập khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn là bài toán mà bên trong luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra.
Trong bối cảnh Trung Quốc có những thay đổi về mặt chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, ông có khuyến nghị gì dành cho các DN xuất khẩu Việt Nam?
- Trước hết, chúng ta phải nghĩ là khi Trung Quốc ban hành một quy định thì tất cả các quốc gia xuất khẩu đều phải tuân thủ, chứ không phải họ gây khó dễ cho riêng Việt Nam. Chúng ta nên loại bỏ ngay suy nghĩ đó. Khi vào sân chơi chung, phải chấp nhận luật chơi của nước chủ nhà.
Để tiếp cận thị trường Trung Quốc, các DN Việt phải hiểu rất rõ về tâm lý tiêu dùng. Nhưng tiêu dùng ở đây cần hiểu bao gồm: đồng bào các dân tộc và khu vực phi nông nghiệp của Trung Quốc. Đây mới là yếu tố quan trọng (thay vì chỉ thấy số lượng cung - cầu), để từ đó có thể giải quyết vấn đề chung.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng đã qua của năm 2023 ước đạt 43,08 tỷ USD. Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Đối với nông sản Việt Nam, hiện nay đang mất dần lợi thế về địa lý. Nông sản Indonesia, Malaysia hiện đã có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua đường sắt. Do đó, vấn đề có tính nguyên tắc cao nhất là các DN phải bảo đảm các tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ thị trường mong muốn thâm nhập, bởi Trung Quốc không phải là một thị trường; đơn cử như Thượng Hải - Bắc Kinh và Quảng Đông - Quảng Tây là những nhóm thị trường rất khác nhau.
Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, xuất khẩu theo đường chính ngạch vẫn là lâu bền nhất. Ở đó, các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam cần chú trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, tăng cường chế biến sâu, đóng gói và vận chuyển; đặc biệt là cần giữ chữ tín để giữ thị trường Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!