Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xử lý nghiêm nạn đổ thải không đúng quy định

Bảo Trân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tại một số quận, huyện ở Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều bãi rác thải tự phát do người dân tùy tiện đổ thải không đúng quy định, gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô không ngừng phát triển, nhiều nhà chung cư, cao tầng, công trình của các tổ chức, cá nhân được xây dựng. Đi cùng với hoạt động xây dựng là số lượng lớn chất thải rắn bị thải ra môi trường. Điều đáng nói, tình trạng này gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, song các lực lượng chức năng dường như còn gặp nhiều khó khăn, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Muôn kiểu đổ thải

Qua ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại khu đất có diện tích khoảng gần 4 ha, đối diện tòa CT2A Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tình trạng “rác tặc” đổ trộm rác thải vật liệu xây dựng diễn ra khá thường xuyên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan đô thị.

Bãi đất qua lỗi rẽ vào đường Đỗ Đức Dục khoảng 100m là nơi tập kết phế thải xây dựng lớn ở quận Nam Từ Liêm.
Bãi đất qua lỗi rẽ vào đường Đỗ Đức Dục khoảng 100m là nơi tập kết phế thải xây dựng lớn ở quận Nam Từ Liêm.

Bãi đất đối diện tòa CT2A là nơi tiếp giáp với các tòa chung cư. Đây là tuyến đường độc đạo của nhiều hộ dân. Thế nhưng rác thải sinh hoạt, phế liệu, phế thải, vật liệu đổ một cách bừa bãi, chất thành đống lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, cư dân nơi đây đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về vấn đề vệ sinh môi trường, trong đó có việc đổ rác đúng giờ và tập kết rác đúng nơi quy định. Song, một nguyên nhân khiến tình trạng rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng tập kết bừa bãi là do “rác tặc” đổ trộm.

Tình trạng này đã và diễn ra nhiều tháng nay, người dân đi lại khu vực này rất bức xúc. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xác minh, xử lý tình trạng này. Tránh kéo dài ảnh hưởng đến người dân.

Tương tự, tại khu đất cạnh Chung cư CT1 Trung Văn Vinaconex, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), cũng đang diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lượng rác thải đủ các loại bàn ghế, vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt vứt tràn lan trên khu đất mặc dù đã có biển cấm.

Bãi đất nằm cạnh Chung cư CT1 Trung Văn Vinaconex, rác thải tràn lan gây mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng.
Bãi đất nằm cạnh Chung cư CT1 Trung Văn Vinaconex, rác thải tràn lan gây mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng.

Tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng trên địa bàn phường Trung Văn trong thời gian qua đang có xu hướng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của chính quyền cơ sở, cần tăng cường công tác tuần tra của cơ quan chức năng; đồng thời, nhanh chóng đưa ra những giải pháp tối ưu để giải quyết dứt điểm tình trạng đổ trộm rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Phóng viên cũng ghi nhận tại tuyến phố Quan Hoa, Nguyễn Đình Hoàn (quận Cầu Giấy); Đại lộ Chu Văn An; chân cầu vượt Yên Nghĩa (quận Hà Đông)… cũng đang diễn ra tình trạng đổ thải không đúng quy định. 

Cần có biện pháp tăng cường xử lý

Trao đổi với phóng viên, đại úy Mai Thành Huynh - Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình tuần tra, đối tượng thường cho người thăm dò, cảnh giới, cảnh báo để nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Do đó việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối tượng đổ trộm chất thải, phế thải ra các tuyến đường nói chung và khu đất nói riêng là rất khó khăn.

Ngoài ra, các đối tượng thường chọn thời điểm đêm tối, mưa gió, vắng lực lượng tuần tra để thực hiện hành vi phạm pháp của mình. Để ngăn chặn triệt để các hành vi trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi phát hiện, bắt gặp những trường hợp vi phạm, thông báo với lực lượng chức năng hoặc cơ quan địa phương để kịp thời xử lý.

Đoạn chân cầu vượt Yên Nghĩa là nơi tiếp giáp "sát sườn" với các tòa chung cư CT8 thuộc khu đô thị The Sparks Dương.
Đoạn chân cầu vượt Yên Nghĩa là nơi tiếp giáp "sát sườn" với các tòa chung cư CT8 thuộc khu đô thị The Sparks Dương.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của TP đã lấp đầy.

Ngoài ra, chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên...

Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải, bên cạnh yêu cầu kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bừa bãi chất thải rắn xây dựng.

Dù đã triển khai một số biện pháp, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường Thủ đô vẫn xuất hiện những đống phế thải vô chủ, cho thấy việc ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thực trạng này cần tiếp tục được quan tâm xử lý để bộ mặt đô thị không bị nhếch nhác, mất mỹ quan.