Cần xử nghiêm “chiêu trò” găm xăng đầu cơ

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước hiện tượng bán xăng nhỏ giọt, quy định lượng xăng tối đa mà người dân được mua, thông báo hết xăng, tạm thời ngừng bán... phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa xung quanh vấn đề này.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. Ảnh: Khắc Kiên
Sau khi nghiên cứu căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư Hoàng Tùng đưa ra quan điểm: Xăng, dầu là hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Luật Giá 2012, vì thế giá xăng, dầu luôn được điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình diễn biến của xã hội.
Trong thời điểm đỉnh cao dịch bệnh Covid-19, giá xăng đã được điều chỉnh giảm xuống mức kỷ lục sau nhiều năm. Hiện nay, khi tình hình ổn định trở lại, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu tiếp tục tăng. Do đó mà giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng lên và xu hướng sẽ là tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trước xu hướng giá xăng dầu tăng trở lại dẫn đến nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu bắt đầu có nhiều động thái, hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu để đợi giá cao trục lợi, vị luật sư này nhấn mạnh: Việc các cây xăng, cửa hàng xăng dầu bán xăng hạn chế cho người tiêu dùng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Khách hàng khá bất ngờ khi trạm xăng Cầu Giấy thông báo mỗi người chỉ được mua tối đa 30.000 đồng sáng 27/5. Ảnh: Nguyễn Thanh 
Xăng dầu là mặt hàng vô cùng cần thiết trong cuộc sống, hiện tại chưa có văn bản nào quy định trong tình trạng nào được hạn chế bán xăng dầu hay bán xăng dầu theo định lượng của cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Các cơ quan chức năng đã thông tin rất rõ ràng về vấn đề vẫn đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho người dân, vì thế lý do không có nguồn nhập hay nguồn nhập không đảm bảo lượng tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là không đủ thuyết phục, không đủ căn cứ để hạn chế lượng xăng dầu bán ra.
Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tiến hành đóng cửa, treo biển hết xăng, hạn chế bán cần phải tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm khắc. Hành vi này có dấu hiệu của việc đầu cơ, găm hàng trục lợi. Đối với hành vi găm hàng (cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng…) sẽ bị xử phạt vi hành chính tại Điều 47 Nghị định 185/2013.
Tùy vào những hành vi cụ thể sẽ có mức phạt tiền cụ thể và cao nhất là đến 30.000.000 đồng. Kèm theo đó là hình thức xử phạt như: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Kiểm tra Cửa hàng xăng dầu số ll (thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ) tại địa chỉ 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội.
Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành thanh tra, rà soát để xử lý nghiêm. Nếu có các vi phạm cụ thể cần tiến hành xử lý vi phạm ngay. Việc này không chỉ quản lý tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh hành vi trục lợi và đảm bảo lòng tin của người dân. “Cần loại bỏ những chiêu trò, mánh khóe găm hàng để trục lợi nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng” - Luật sư Hoàng Tùng nói.