Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Canada cho phép Neuralink thử nghiệm cấy chip vào não người

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, công ty Công nghệ thần kinh Neuralink của tỷ phú người Mỹ Elon Musk, thông báo họ đã nhận được sự chấp thuận để tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Canada cấy chip vào não người.

Mục đích của Neuralink khi nghiên cứu lâm sàng tại Canada là đánh giá tính an toàn và chức năng ban đầu của thiết bị cấy ghép vào não, giúp những bệnh nhân bị liệt tứ chi, có thể điều khiển các thiết bị bên ngoài bằng suy nghĩ của họ.

Về phía Canada, Tổ chức Mạng lưới Y tế Đại học (University Health Network) của nước này tuyên bố cơ sở y tế tại thành phố Toronto đã được chọn để thực hiện quy trình phẫu thuật thần kinh phức tạp này.

Canada cho phép Neuralink của tỷ phú Elon Musk thử nghiệm cấy chip vào não người.
Canada cho phép Neuralink của tỷ phú Elon Musk thử nghiệm cấy chip vào não người.

Trước đó tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã 'bật đèn xanh' cho Neuralink thử nghiệm cấy chip vào não cho 2 bệnh nhân. Theo các báo cáo được cập nhật, công ty cho biết thiết bị đang hoạt động tốt ở bệnh nhân thử nghiệm thứ 2 khi người này có thể sử dụng thiệt bị để chơi trò chơi điện tử và thiết kế các vật thể 3D chỉ thông qua suy nghĩ.

Tại Mỹ, có hơn 1.000 người bị liệt đăng ký tình nguyện tham gia chương trình nghiên cứu thử nghiệm của Neuralink, song chưa đến 100 người trong số này đủ điều kiện tham gia. Công ty Công nghệ này đặt mục tiêu cấy ghép thiết bị cho 10 người trong năm nay và hy vọng sẽ có được nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau để mở rộng mức độ đa dạng của đối tượng được thử nghiệm, trong bối cảnh những người đăng ký tham gia thử nghiệm đến nay đều là người da trắng và là nam giới.

Công ty Neuralink được thành lập vào năm 2016, đang nghiên cứu phát triển một con chip có thể cấy ghép bên trong hộp sọ, với mục tiêu cuối cùng có thể giúp bệnh nhân khuyết tật di chuyển và giao tiếp trở lại, cũng như phục hồi thị lực.

Vào tháng 9/2024, công ty khởi nghiệp này đã nhận được danh hiệu "thiết bị đột phá" của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho sản phẩm cấy ghép thử nghiệm nhằm phục hồi thị lực.