Căng thẳng nguồn cung, giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh thuế

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến giá và nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phân bón. Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước.

Giá và nguồn cung diễn biến khó lường

Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, khối lượng sản xuất trong nước là 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn; lượng phân bón xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Không chỉ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra mà từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, thành viên hợp tác xã đang canh tác diện tích rau bình quân khoảng 200ha/vụ. Với việc giá phân bón tăng cao, chi phí sản xuất của bà con cũng bị đẩy lên khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thiếu hụt nguồn cung khiến giá phân bón dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Thiếu hụt nguồn cung khiến giá phân bón dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, thị trường phân bón thế giới vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do chiến sự Nga - Ukraine nổ ra từ ngày 24/2/2022. Kèm theo đó, hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, liên minh châu Âu (EU) đối với Nga đã tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung và tăng giá.

Đại diện Bộ NN&PTNT đánh giá, trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, đối với phân Kali, do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới, và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này. Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng  theo, người nông dân sẽ là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Trước những biến động về giá phân bón do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và các yếu tố khác, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây được xem là cơ hội, nhưng cũng là nhiệm vụ đầy thách thức của các nhà sản xuất phân bón trong nước.

Theo TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết loại phân bón chủ lực như: Urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK. Trong khi đó, một số sản phẩm như phân SA và Kali thì vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. 

 

“Chi phí từ phân bón hiện dao động 30 - 60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Để tìm cách giảm chi phí, cùng với chuyển đổi sang sử dụng các loại phân bón khác có giá hợp lý hơn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, bà con cũng cần áp dụng triệt để khuyến cáo “5 đúng” của Bộ NN&PTNT khi bón phân: Bón đúng chủng loại phân; Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; Bón đúng nhu cầu sinh thái; Bón đúng vụ và thời tiết; Bón đúng phương pháp”.

TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Tính riêng năm 2021, sản xuất trong nước của các nhà máy khác đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6 % so với cùng kỳ. Trong đó, riêng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại, từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK…

Hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn, bao gồm các loại phân bón chính như: Urea, NPK, phân bón hữu cơ...

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác trong nước như Công ty Apromaco, Công ty Tiến Nông, Công ty Phân bón Hà Lan, Công ty Phân bón Việt Nhật, Công ty Phân bón Ba Con Cò, Tập đoàn Quế Lâm, Tổng công ty Phân bón Sông Gianh, Nhà máy Amon Nitrat của Tổng công ty Hóa chất mỏ… cũng đều đạt kết quả sản xuất khả quan. Nhờ đó, thị trường trong nước hiện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xem xét điều chỉnh chính sách thuế

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Riêng mặt hàng phân bón, khối lượng nhập khẩu từ Nga và Ukraine chiếm 10% tổng nhập khẩu.

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga, và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ những nơi khác như Úc, Nam Mỹ, Nam Phi. Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu.

Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, ngô… đã tăng lên khoảng 10 - 20%, trong khi giá phân bón tăng đến trên 20% trong thời gian gần đây. Điều này ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là sinh kế của người nông dân.

Trước bối cảnh trên, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Xúc tiến làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Để bảo đảm nguồn cung phân bón trong nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.