KTĐT - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói về chỉ đạo của Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước là phải bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường.
Sáng 4/11, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bất ngờ tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có thông báo chỉ đạo của Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước là phải bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường.
Về vấn đề này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, "bán bao nhiêu thì chúng tôi sẽ tính toán và nếu cần sẽ công bố, con số này chưa thể công bố bây giờ".
Đừng đổ lỗi cho điều hành
Thưa Thống đốc, sau cuộc gặp mặt báo chí của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, có lẽ nhiều người sẽ hiểu rằng, căng thẳng tỷ giá có một nguyên nhân lớn là do điều hành. Ông nghĩ sao?
Tối qua, Thường trực Chính phủ đã họp với tất cả bộ trưởng các bộ, ngành, tìm biện pháp ổn định tỷ giá. Tại đây, các thành viên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều chung nhận định rằng, tỷ giá căng thẳng xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng nổi lên trong đó là lạm phát và nhập siêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nhập siêu hiện tại ở mức 9,5 tỷ USD. Theo đà này, trong hai tháng cuối năm, nếu nhập siêu khoảng 1,5 tỷ USD/tháng thì ước cho cả năm nay là 12 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu thì nhập siêu chiếm khoảng 17 - 18%.
Một yếu tố lớn khác là khi thực hiện mở rộng chính sách tài khóa đã gây áp lực lên tỷ giá. Bởi lẽ, khi tăng đầu tư để đạt được mục đích tăng trưởng thì buộc phải tăng nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu.
Cá nhân tôi cho rằng, sự căng thẳng của tỷ giá hiện nay chỉ là tạm thời, nếu điều hành vĩ mô đạt được như kỳ vọng. Hơn nữa, việc khá nhiều dòng tiền của các nước phương Tây đang đổ về một số nước mới nổi của châu Á sẽ góp phần giảm nhiệt căng thẳng tỷ giá ở Việt Nam.
Trong bối cảnh lạm phát, nhập siêu gia tăng như vậy, điều hành sao cho ổn định thị trường là một thách thức không nhỏ, nhưng cũng đừng vì thế mà đổ lỗi cho hoạt động điều hành.
Chưa thể công bố con số cụ thể
Tại cuộc gặp mặt này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có thông báo chỉ đạo của Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước là phải bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường, Thống đốc cho biết dự kiến con số này là bao nhiêu?
Đã can thiệp thị trường thì phải bán ra, chứ làm cách gì bây giờ? Nhưng bán bao nhiêu thì chúng tôi sẽ tính toán, và nếu cần sẽ công bố, con số này chưa thể công bố bây giờ, vì còn nhiều vấn đề khác.
Nhưng điều quan trọng là đừng bao giờ để cho nền kinh tế lãng phí bởi nhập siêu. Ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước họp với 16 ngân hàng thương mại ở phía Bắc để bàn sâu về vấn đề này.
Trên thực tế, qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước, áp lực lên cầu ngoại tệ sẽ giảm nhờ vào khả năng kiềm chế nhập siêu và nguồn cung ngoại tệ đang có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm do nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ từ nước ngoài của các tổ chức kinh tế được giải ngân, luồng vốn đầu tư và kiều hối chuyển vào trong nước sẽ được cải thiện đáng kể.
Do đó, trong năm 2010 dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam sẽ cân bằng. Trên cơ sở các thông tin và đánh giá tổng thể về thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ở mức ổn định như hiện nay và thực hiện bán can thiệp để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Hiện tại, dự trữ ngoại hối của quốc gia hoàn toàn đủ sức để bình ổn thị trường.
Cơ chế bán ra như thế nào? Đối tượng nào sẽ được mua, thưa Thống đốc?
Tất nhiên, chúng tôi sẽ bám sát, rà soát nhu cầu thiết yếu và thực tế mua ngoại tệ của các doanh nghiệp tại từng ngân hàng, và sẽ bán số lượng tương ứng, chứ không phải là bơm cả đống ngoại tệ cho ngân hàng, rồi để mặc họ muốn làm gì thì làm.
Ưu tiên số 1 vẫn là nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và nhu cầu thanh toán hợp lý và giảm triệt để bán ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa xa xỉ.
Ngày 4/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định bơm ra thị trường 600 tỷ USD kích thích kinh tế và làm trầm trọng thêm sự giảm giá của USD so với các ngoại tệ khác, nhưng tại sao USD vẫn đắt so với VND?
Không có gì khó hiểu ở đây... Đã hai năm nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chiều sâu thay vì dàn trải chiều rộng. Có nghĩa, đừng thâm dụng nhân công mà phải tăng năng suất lao động lên, rồi sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó đi đến xuất siêu thì kinh tế vĩ mô mới ổn định và giải quyết được nhiều vấn đề khác, trong đó có tỷ giá, nhưng đến nay, vấn đề đó vẫn bỏ ngỏ.
Không thể cấm dân tích trữ USD
Nhiều người cho rằng, lượng ngoại tệ trong dân hiện nay lên tới 11 tỷ USD, và phải làm sao đó để huy động được sức dân trong bình ổn thị trường ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước có ý kiến gì?
Việc lượng ngoại tệ trong dân cư hiện rất lớn có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng nhất là tại điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối đã cho phép người dân được tích trữ USD.
Như thế, “Đô la hóa” là hợp pháp ở Việt Nam. Đây chính là yếu tố tạo điều kiện cho tình trạng “Đô la hóa” trong nền kinh tế, và luật pháp không thể nào cấm cản đối với hành vi tìm kiếm sinh lợi của ai đó khi họ nắm giữ ngoại tệ, kể cả khi hành vi đó gây bất ổn cho thị trường.
Thưa ông, cũng có một số ý kiến thắc mắc, tại sao cuộc gặp mặt báo chí có thông tin trọng tâm là tỷ giá, nhưng lại không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, mà lại là Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia?
Ai tổ chức thì do Chính phủ quyết định. Nhưng tôi được biết, khi bàn đến vấn đề kinh tế vĩ mô - dù trong đó có vấn đề tỷ giá - thì phải do nhiều bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính... Ngân hàng Nhà nước chỉ liên quan đến chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng, đáng lẽ buổi thông tin này do cơ quan phát ngôn của Chính phủ tổ chức mới phù hợp hơn.