Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng với Ukraine: Ông Putin muốn “nắn gân” phương Tây

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã nâng lên một nấc thang mới nguy hiểm hơn. Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại biên giới với Ukraine sau khi cáo buộc Kiev đứng sau âm mưu phá hoại tại Crimea.

Kiev đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng, Moscow chỉ muốn tìm cớ để tăng cường đe dọa quân sự với Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng yêu cầu quân đội đặt trong tình trạng báo động cao. Quan chức NATO đang theo dõi chặt chẽ "với sự quan ngại" về căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Kiev, đồng thời kêu gọi kiềm chế và hạ nhiệt tình hình.
Tổng thống Nga Putin có nhiều thông điệp trong động thái với Ukraine.
Tổng thống Nga Putin có nhiều thông điệp trong động thái với Ukraine.
Các nhà bình luận quốc tế đã có các phân tích về nguyên nhân quyết định căng thẳng gia tăng của Nga.

Thứ nhất, tại sao Tổng thống Nga Putin lại chọn thời điểm này để tạo áp lực lên Ukraine?

Ngày 24/8 là ngày kỷ niệm 25 năm Ukraine độc lập từ Liên bang Xô Viết. Chọn thời điểm này, Moscow muốn làm cho Ukraine biết rằng, chủ quyền của Kiev chỉ tồn tại chừng nào Nga cho phép.

Bên cạnh đó, theo nhà bình luận Peter Apps của hãng Reuters, hành động của ông Putin không chỉ nhằm vào nước láng giềng. Như thường lệ, thông điệp của Tổng thống Nga cũng nhằm gửi đến phương Tây. Kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, phương Tây đã bổ sung nguồn lực lớn hơn nhiều vào việc chống lại Moscow. Hầu hết trong số đó được tập trung vào việc củng cố hệ thống phòng thủ của NATO, đặc biệt là xung quanh các nước Baltic láng giềng với Nga như Estonia, Latvia và Litvia.

Vì vậy, với động thái đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới biên giới, lãnh đạo Nga đang muốn chứng tỏ rằng, Moscow có thể có bất kỳ hành động nào, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Còn với Mỹ, ông Putin cũng muốn đưa ra một thông điệp riêng.

Ukraine không phải là một thành viên của NATO, điều này có nghĩa là không có một hiệp ước ràng buộc nào đối với NATO trong việc có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine khi có xung đột quân sự. Mỹ và các quốc gia châu Âu đã và đang nâng cao khả năng quân sự của Ukraine thông qua đào tạo và cung cấp các thiết bị không sát thương. Nếu có giao tranh, điều này sẽ đặt chính quyền Tổng thống Barack Obama ở thế khó khi dù muốn cũng không thể can thiệp quân sự giúp đỡ Kiev. Lãnh đạo Nga đang hàm ý rằng, các hành động của Moscow lần này, Washington có muốn cũng không thể ngăn chặn được.

Tuy nhiên, việc leo thang hơn nữa sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Nga. Hành động quân sự của Nga sẽ đối mặt với những biện pháp trừng phạt tài chính mạnh hơn nữa từ phương Tây và Mỹ và cũng có thể là chất xúc tác cho việc mở rộng lực lượng NATO ở Đông Âu, điều Nga không hề mong muốn.

Bên cạnh đó, những căng thẳng này thậm chí có thể có một tác động trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đã có suy đoán rộng rãi về việc ông Putin muốn ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành Tổng thống, đặc biệt là sau các lời “xì xào” về việc cơ quan tình báo quốc gia Nga đã tham gia trong tấn công hệ thống email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ.

Do vậy, một cuộc bất đồng mới với Nga có thể sẽ khiến ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton giành được thêm nhiều sự ủng hộ, có thể hoàn toàn trái ngược những gì ông Putin muốn.