[Cảnh báo cơn sốt đất đang bị đẩy xa hơn giá trị thực tế] Kỳ 1: Chóng mặt vì giá đất “nhảy múa”

Khắc Hạnh/Pháp luật & Xã hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến tháng 6/2021, Hà Nội mới công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, còn tại huyện Ứng Hoà việc xây dựng một sân bay thứ hai mới chỉ dừng ở mức dự định. Mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng nhưng tại những địa phương này và nhiều quận, huyện khác của Hà Nội giá đất đã bị đẩy lên chóng mặt.

Loạn giá đất
Thông tin Vingroup đề xuất đầu tư 2 khu đô thị mới, diện tích khoảng 500ha ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất vẫn chưa rõ ràng nhưng trong tháng 3 hàng trăm nhà đầu tư đã đổ về đây để mua, bán đất. Giá đất cao nhất nằm ở khu vực đất giãn dân có tên Quan Giai. Tháng 1/2021, 1m2 đất ở đây được giao trên các trang mua, bán bất động sản giao động từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Bước sang tháng 3, giá đất tại các vị trí này đã được thổi tới 12 triệu đồng/m2.
Toàn, một cò đất ở đây khẳng định kiểu gì Vingroup cũng xây dựng khu đô thị ở đây, nếu vị trí đất chúng tôi định mua nằm trong khuôn viên dự án thì sẽ được hưởng lời từ tiền GPMB, còn nếu lô đất này nằm liền kề dự án coi như người mua trúng lớn vì lúc đó giá đất sẽ còn tăng lên vài chục lần nữa. Rõ ràng những gì Toàn nói cho thấy ngay bản thân anh ta cũng không rõ được trong tương lai những lô đất đang chào bán sẽ ra sao.
Tại huyện Mê Linh, Hà Nội sau cơn sốt đất ảo, giờ là cảnh hoang tàn của nhiều dự án chưa được triển khai. Ảnh: K.H

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc khẳng định, chính quyền xã chưa nhận được thông tin về việc sẽ có dự án triển khai. Vingroup mới gửi văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất đề nghị xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn. Còn họ xây dựng tại xã nào ngay bản thân lãnh đạo xã cũng chưa biết.
Dự kiến tháng 6/2021, Hà Nội mới công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nghĩa là ở thời điểm này chưa rõ ràng vị trí đất nào sẽ được xây dựng công trình, vị trí nào được làm đường, trồng cây xanh… nhưng tại các xã Hải Bối, Xuân Canh, huyện Đông Anh, cũng trong tháng 3 người mua, kẻ bán ầm ầm đổ về đây nhằm đón đầu quy hoạch. Anh Hoàng Xuân Hùng, một người dân xã Xuân Canh kể, đầu tháng 3 có người về xã chốt luôn 3 mảnh đất cách đê không xa, mỗi mảnh 60m2 với giá 10 triệu đồng/m2. Giờ chủ nhân của 3 mảnh đất này đang tiếc đứt ruột vì giá đất hiện tại đã được đẩy lên 30 triệu đồng/m2.
Anh Hùng cho biết những ngày này chỉ cần môi giới khách cho người quen trong họ hay hàng xóm anh cũng kiếm được vài chục triệu, cao gấp mấy lần lương làm cơ khí. Giờ giá đất trong làng có nơi chỉ 21 - 29 triệu đồng/m2 nhưng có nơi 35 - 40 triệu đồng/m2. Tháng 6 tới đây khi ra thông tin cụ thể về phân khu quy hoạch sông Hồng thì giá đất sẽ tăng lên mức 70 triệu đồng/m2.
Cách xã Xuân Canh không xa là thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, giá đất cũng tăng vùn vụt từ đầu tháng 3. Hiện đất nằm ở vị trí mặt đường liên thôn cũng bị đẩy tới 50 triệu đồng đến 65 triệu đồng/m2
Tại huyện Ứng Hoà, lợi dụng thông tin dự kiến xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, một số môi giới, cò đất đã kêu gọi thu gom đất để hưởng lợi từ việc đền bù GPMB hoặc chờ tăng giá kiếm lời. Đương nhiên, giá đất tại trung tậm huyện những ngày này đã bị đẩy lên. Do không biết đâu là vị trí sân bay nên nhiều cò đất đã lấy đất thuộc các xã sát trung tâm huyện để thổi giá, trong số này có cả các xã như Đại Hùng, Đại Cường.
Vậy Bộ GTVT có quan điểm ra sao với đề xuất xin xây sân bay của các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng? Tháng 12/2020, lãnh đạo Cục HKVN cho biết, hiện chưa rõ vị trí cụ thể của sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô, việc xác định vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm.
Mới đây, chiều 28/3, báo cáo tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng quá sớm để hoạch định một sân bay dân dụng mới tại Hà Nội vào thời điểm này.
Nhìn nhận đúng để tránh rủi ro
Liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, mới đây Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành kết luận về chủ trương chỉ đạo đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP.
Đồ án phải đảm bảo tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu các ý kiến, góp ý của Đảng đoàn HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy và các ý kiến của chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng theo đúng quy định.
Đánh giá về hiện tượng “sốt đất” quy hoạch sông Hồng, ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khuyến cáo người mua đất cần lưu ý, ngay với quy hoạch phân khu nội ô lịch sử vừa được Hà Nội công bố, đây là quy hoạch phân khu, tỉ lệ 1/2.000, chưa có gì chi tiết cả. Sau quy hoạch phân khu, cơ quan lập quy hoạch còn phải nghiên cứu, thể hiện chi tiết ở quy hoạch tỉ lệ 1/500, lúc đó mới ra dự án cụ thể, hay chỗ đất này là công viên, vườn hoa, khu vui chơi. Còn với quy hoạch tỉ lệ lớn, cứ rầm rộ đi mua đất thì căn cứ vào thông tin nào, nếu khu đất có dự án, bị thu hồi thì sao.
Ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội lưu ý người mua cần đặc biệt chú ý về tính pháp lý của thửa đất: "Giao dịch dân sự thì cơ quan quản lý không thể ngăn cấm, chỉ khuyến cáo người dân thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định giao dịch" - ông Nam cảnh báo.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT - cũng nhận định nguy cơ bong bóng bất động sản là hiện hữu. Lý do chính khiến giá bất động sản bong bóng, theo ông Võ, là cung thấp hơn cầu. Có nghĩa là trong vài 3 năm tới, cung sẽ giảm mạnh trong khi cầu tiếp tục tăng nên đẩy giá nhà đất tăng cao bất thường.

Tuy nhiên bong bóng đến một lúc nào đó sẽ phải vỡ. Thực tế này khiến những người cần mua nhà đất để ở thật chứ không phải thương mại sẽ ngày càng khó khăn, cơ hội để tiếp cận sẽ rất hẹp. Hệ lụy thứ hai là nó tạo giá ảo, tức là thị trường bất động sản đang không sát mặt đất, đang lửng lơ cho thấy thị trường không thật, bị bóp méo.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, theo thống kê của VARs, đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25 - 30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%.

Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019. Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

(Còn nữa)