Cảnh báo gánh nặng nợ công và hiệu quả thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, trước khi quyết định thông qua vào cuối kỳ họp này.

Trong báo cáo Dự án trình Quốc hội lần này, Chính phủ tiếp tục khẳng định sự cần thiết của việc đầu tư Dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra những tính toán kiểm định, tiếp tục khẳng định dự án không tác động nhiều tới nợ công… Trong đó, Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 - 2025 với quy mô 25 triệu hành khách, số vốn đầu tư đã giảm gần 1/3 từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ngày 3/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, ông và nhiều ĐB đồng tình về việc thông qua chủ trương đầu tư, nhưng còn những băn khoăn đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm về khả năng huy động nguồn vốn và tính hiệu quả của dự án để phân kỳ đầu tư cho phù hợp.
Phối cảnh Sân bay Long Thành.
Phối cảnh Sân bay Long Thành.
 
Theo ĐB Lê Như Tiến, dự án trình ra Quốc hội lần này có sự điều chỉnh về tổng vốn đầu tư chỉ còn bằng 1/3 lúc đầu, điều chỉnh về phân kỳ đầu tư, phương thức huy động vốn. Trong đó vốn ngân sách giảm nhiều so với trước. Sự điều chỉnh này chứng tỏ Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội, dư luận và cử tri cả nước, khiến ĐB yên tâm hơn. Nhưng trong các phương thức huy động vốn, vẫn có phần nguồn lực nước ngoài, đấy cũng chính là gánh nặng lâu dài cho ngân sách, đặc biệt trong tình hình nợ công hiện nay. Chính phủ có lẽ cần rà soát lần nữa để giảm tổng mức đầu tư và thay đổi phương thức huy động vốn theo hướng xã hội hóa, tránh gánh nặng cho ngân sách và cũng để ĐB có niềm tin quyết định dự án quan trọng này.

Trước câu hỏi về việc liệu có hay không việc giảm mức đầu tư để tạo sự thuyết phục Quốc hội thông qua, ĐB Lê Như Tiến cho rằng: "Điều này cũng là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, nếu thực sự Chính phủ rà soát Dự án, giảm được như thế, vậy mục tiêu ban đầu có đạt được không. Còn nếu mục tiêu ban đầu vẫn đạt được, mà lại giảm mức đầu tư chứng tỏ dự kiến ban đầu có vấn đề. Tôi cũng lo là giống như đấu thầu, thường là bỏ thầu thì thấp, nhưng sau đấy trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, triển khai lại đội tổng mức đầu tư lên. Đây là điều ĐB Quốc hội rất quan tâm và mong muốn Chính phủ làm rõ hơn". ĐB cũng cho rằng: Dù Quốc hội bấm nút thông qua, nhưng không phải dừng ở đó, đây là Dự án quan trọng, nên Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát trong cả quá trình thực hiện dự án. Các cơ quan của Chính phủ cũng cần vào cuộc tích cực hơn và phải đề cao trách nhiệm để công trình đảm bảo như mục tiêu ban đầu.

Bày tỏ quan điểm của mình trước ngày Quốc hội xem xét Dự án, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng cho biết, hoàn toàn ủng hộ về chủ trương. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan trình Dự án cần phải làm rõ quy hoạch cụ thể cũng như việc triển khai xây dựng trong từng giai đoạn. Một trong những chức năng của Cảng hàng không Long Thành là sân bay trung chuyển của khu vực, do đó cần phải đầu tư ra sao để chức năng này phát huy được hiệu quả, đưa Sân bay Long Thành lên vị trí trung chuyển quan trọng trong khu vực và thế giới. "Nếu chỉ dự kiến hay thiết kế xây dựng sân bay trong quy mô dạng tĩnh, dạng kín là rất gay go. Trong bối cảnh kinh tế luôn ở dạng mở, và vận động không ngừng, thị trường hàng không khu vực và thế giới liên tục phát triển, vấn đề đặt ra liệu sân bay có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cũng như đủ sức để cạnh tranh, điều này cần thiết phải tính đến nếu không việc xây dựng sân bay sẽ trở nên rất lãng phí" - ĐB cảnh báo và nhấn mạnh: Hiện nay gánh nợ công đang ở mức cao, do đó việc đầu tư vốn xây dựng cũng là điều cần phải cân nhắc và phải có giải pháp cụ thể. Vấn đề phải xác định đối với Dự án này là phải thật hiệu quả và cơ quan thực hiện Dự án phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Quốc hội về tính hiệu quả của nó.

Trao đổi với báo chí, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Vấn đề đặt ra không chỉ là chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành có đúng hay không mà còn là cách làm thế nào. Ngay cả khi Quốc hội thông qua điều quan trọng là những công việc phải làm, những điều kiện đặt ra và những chuẩn mực, tiêu chí phải định rõ để cho chủ trương ấy trở thành hiện thực, đạt được yêu cầu đề ra. Việc xây dựng Sân bay Long Thành phải được triển khai với một lộ trình thích hợp, tương xứng với khả năng của nền kinh tế, trong đó phải coi trọng chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu. Nhưng điều mà nhiều ĐB, trong đó có cả tôi băn khăn ấy lại chưa rõ, chưa thấy được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần