Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông và sạt lở núi phía Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay, vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 đã di chuyển sang khu vực Thượng Lào. Rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp này đi qua khu vực Bắc Bộ suy yếu.

Lũ trên sông Thao đang lên chậm và duy trì ở mức cao. Lúc 21 giờ ngày 20/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 32,8m, trên BĐ 3: 0,8m; tại Phú Thọ: 18,2m, mức báo động (BĐ) 2.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự đoán, đêm nay (20/8) và sáng mai (21/8), mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống 32,2m, trên BĐ 3: 0,2m, tại Phú Thọ lên mức 18,4m, trên BĐ 2: 0,2m.

Đến chiều tối mai (21/8), mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống 31m, mức BĐ 2; tại Phú Thọ xuống mức 17,9m, trên báo động 1: 0,4m.

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, đặc biệt là thành phố Yên Bái và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Cảnh báo lũ, sạt lở đất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ sông Thương, sông Cầu, sông Mã, sông Bưởi đang lên chậm. Lúc 21 giờ ngày 20/8, mực nước các sông như sau: Sông Lục Nam tại Lục Nam: 5,0m, dưới BĐ 2: 0,3m; Sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 4,9m, trên BĐ 1: 0,6m; Sông Cầu tại Đáp Cầu: 4,40m, trên mức BĐ 1:0,1m; Sông Bưởi tại Kim Tân: 10,9m, dưới BĐ 2: 0,1m; Sông Mã tại Cẩm Thủy: 19,1m, trên BĐ 2: 0,1m và tại Lý Nhân: 9,9m, trên BĐ 1: 0,4m. Dự báo, đêm nay (20/8) và sáng mai (21/8), mực nước sông Lục Nam tại Lục Nam xuống mức: 4,7m, trên BĐ 1: 0,4m; Sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên mức 5m, dưới BĐ 2: 0,3m; Sông Cầu tại Đáp Cầu ở mức 4,5m, trên BĐ 1: 0,2m; Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 10,5m, trên BĐ 1:0,5m; Sông Mã tại Lý Nhân ở mức 9,8m, trên BĐ 1: 0,3m. Đến chiều tối mai (21/8), mực nước sông Lục Nam tại Lục Nam xuống mức: 4,2m, dưới BĐ 1: 0,1m; Sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống 4,5m, trên BĐ 1: 0,2m; Sông Cầu tại Đáp Cầu xuống mức 4m, dưới BĐ 1: 0,3m; Sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 10,5m, dưới BĐ 2: 0,5m; Sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 9,3m, dưới BĐ 1: 0,2m.

Trung tâm cũng cảnh báo, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Cảnh báo ngập lụt tại nội thành Hà Nội. Lúc 20 giờ 40 phút, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội. Theo đó, khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to. Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,1 m đến 0,3 m như: Cầu Giấy, Trung Văn, Xuân Thủy, Lương Thế Vinh, Hoa Bằng, Trần Bình, Mỹ Đình, Quang Trung, Tố Hữu, Dương Nội (Hà Đông).

Mưa lớn khu vực nội thành Hà Nội. Lúc 19 giờ, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh và ảnh định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển tại khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Hà Đông và đang gây mưa rào và dông cho khu vực này.

Sau 30 phút tới vùng mây đối lưu này tiếp tục gây mưa cho khu vực trên và có khả năng lan sang khu vực trung tâm thành phố, sau đó gây mưa rào và dông cho các khu vực này. Trong cơn dông cần đề phòng có gió giật mạnh.

Lũ trên sông Thao đang lên chậm. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 17 giờ ngày 20/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 32,83m, trên BĐ 3: 0,83m; tại Phú Thọ: 18,27m, trên BĐ 2: 0,07m;

Chiều tối và đêm nay (20/8), mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ lên mức 33m, trên BĐ 3: 1m, tại Phú Thọ lên mức 18,4m, trên mức BĐ 2: 0,2m.
Cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông và sạt lở núi phía Bắc - Ảnh 1
Đến sáng mai (21/8), mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ ở mức 32,30m, trên BĐ 3: 0,3m; tại Phú Thọ ở mức 18,5m, trên mức BĐ 2: 0,3m.

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, đặc biệt là thành phố Yên Bái và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Lũ sông Thương, sông Cầu, sông Mã, sông Bưởi đang tiếp tục lên. Lúc 17 giờ ngày 20/8, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 4,80m, trên BĐ 1: 0,50m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 4,32m, mức BĐ 1; trên sông Bưởi tại Kim Tân: 10,92m, dưới BĐ 2: 0,08m; trên sông Mã tại Cẩm Thủy: 19,06m, trên BĐ 2: 0,06m và tại Lý Nhân: 9,74m, trên BĐ 1: 0,24m.

Đến tối nay (20/8), mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương sẽ duy trì ở mức đỉnh lũ: 4,80m, mức BĐ 1; sông Cầu tại Đáp Cầu ở mức 4,5m, trên BĐ 1: 0,2m; sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 11m, mức BĐ 2; trên sông Mã tại Lý Nhân ở mức 10m, trên BĐ 1: 0,5m.
Đến sáng mai (21/8), trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 4,3m, mức BĐ 1; sông Cầu tại Đáp Cầu xuống mức 4m, dưới mức BĐ 1: 0,3m; sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 10,5m, dưới BĐ 2: 0,5m; sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 9,5m, mức BĐ 1.

Ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Tại Nghệ An, gần 200 hộ dân đang bị cô lập giữa núi rừng. Chiều 20/8, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Lô Văn Liệu cho biết, hiện trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 200 hộ dân bị cô lập bởi mưa lũ mấy ngày qua. Theo ông Liệu, nguyên nhân dẫn đến 2 bản của xã bị cô lập là do đường sạt lở, gây ách tắc trên diện rộng.

“Hiện có gần 200 hộ dân ở hai bản là Cha Nga và Xốp Dương đang bị cô lập. Đường đi vào hai bản này bị sạt lở nhiều nơi gây ách tắc không thể đi xe máy vào được mà phải đi bộ nhưng cũng rất khó khăn. Hai bản này cũng chưa có sóng điện thoại nên mọi liên lạc với trưởng bản của hai bản này chưa được nên chưa biết tình hình thế nào”, ông Liệu cho biết.

Theo ông Liệu, 2 bản Cha Nga và Xốp Dương gần 100% là người dân tộc Thái, nằm cách trung tâm xã tầm 20 km.
Nhà cửa tan tành sau lũ.
Nhà cửa tan tành sau lũ.
Cũng theo ông Liệu, sau gần một ngày làm công tác kiểm tra tình hình sau khi lũ lên đã thống kê có tới 16 ngôi nhà trên địa bàn bị ngập nước từ 3-4m; trong đó có 3 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi mất tích. Hiện con số thiệt hại vẫn chưa được thống kê.

Hiện lũ trên dòng Nậm Nơn qua địa bàn xã Mỹ Lý nước đang rút, kéo theo đó là tình trạng đất sạt lở khác nghiêm trọng.

“Nước lũ đã rút, song đất đá dọc hai bên bờ sông Nậm Nơn đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Công tác chỉ đạo các bản làng dọc theo sông được triển khai đến từng hộ gia đình quyết không để những bất trắc xảy ra”, ông Liệu cho biết thêm.

Hiện công tác khắc phục hậu quả sau khi lũ rút như dọn dẹp đất đá, nhà cửa bị ngập được các cấp chính quyền xã Mỹ Lý nỗ lực tiến hành khẩn trương.

Tại Phú Thọ, một người bị lũ cuốn trôi khi đi vớt củi. Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 20/8, anh Lê Vinh Hậu (sinh năm 1974, ở khu 7 phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã bị nước cuốn trôi khi đang vớt củi trên sông.

Một số nhân chứng cho biết thời gian trên, tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, khu vực giáp sông Hồng, rất đông người dân thị xã đổ ra phía sông để vớt củi.
Bất chấp nguy hiểm, người dân phường Phong Châu vẫn xuống sông vớt củi. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Bất chấp nguy hiểm, người dân phường Phong Châu vẫn xuống sông vớt củi. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Mặc dù mực nước lên cao, chảy xiết, rất nguy hiểm nhưng anh Hậu cùng một số người dân vẫn liều mình bơi ra sông. Anh Hậu bị đuối sức và vào vùng nước xoáy nên bị nhấn chìm. Một số người dân nhìn thấy sự việc nhưng không kịp cứu anh Hậu. Khu vực xảy ra vụ việc cách nhà nạn nhân khoảng 500 mét.

Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã tổ chức lực lượng đi xuôi dòng chảy để tìm kiếm nạn nhân, đồng thời báo cáo sự việc nên chính quyền địa phương.

Theo ông Hoàng Ngọc Chiến, trưởng khu dân cư số 7, phường Trường Thịnh, đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn chưa thấy tung tích nạn nhân.

Chính quyền địa phương cũng đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân đồng thời khuyến cáo người dân không được ra sông vớt củi trong thời điểm này. Tuy vậy, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, còn rất nhiều người dân phường Trường Thịnh, Phong Châu, xã Hà Thạch... nằm sát sông Hồng vẫn ra sông để vớt củi.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tính đến 14 giờ ngày 20/8, mực nước sông Thao tại trạm Ấm Thượng là +26,43m (trên báo động 3 là 0,43m); tại thị xã Phú Thọ là +18,16m (trên báo động 1 là 0,66m); sông Đà tại xã La Phù là +13,20m, sông Lô tại xã Vụ Quang là +11,20m, sông Hồng tại Việt Trì là +11,01m.

Đơn vị đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Thao số 2, số 3 cho các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê; lệnh báo động lũ số 1cho các huyện Tam Nông, Lâm Thao và thị xã Phú Thọ.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, bão số 3 đã làm một người bị thương, làm đổ, sập, tốc mái và ngập 31 nhà; 109 hộ phải di dời nhà ở; làm ngập hơn 1.200 ha lúa và hoa màu; hơn 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại...

Đêm 19/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3, trên khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa trên diện rộng. Khu vực Tây Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, một số nơi lớn hơn như: Sa Pa 158mm; Văn Bàn (Lào Cai) 114mm; Trạm Tấu (Yên Bái) 107mm; Mỹ Lương (Phú Thọ) 92mm;

Hiện nay: vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 đã di chuyển sang khu vực Thượng Lào. Rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp này đi qua khu vực Bắc Bộ suy yếu.
Cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông và sạt lở núi phía Bắc - Ảnh 2
Lũ sông Thao (Yên Bái) , sông Lục Nam, sông Thương (Bắc Giang), sông Mã và sông Bưởi (Thanh Hóa) đang tiếp tục lên nhanh. Lúc 9 giờ ngày 20/8, trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 32,21m (trên báo động (BĐ) 3: 0,21m), tại Phú Thọ: 17,88m (trên BĐ 1: 0,38m); mực nước trên sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức 5,48m (trên BĐ 2: 0,18m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 4,57m (trên BĐ 1: 0,27m); sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức 3,45m (dưới BĐ 2: 0,05m); trên sông Mã tại Hồi Xuân: 60,71 m (trên BĐ 1: 1,71m), tại Cẩm Thủy: 18,79m (dưới BĐ2: 0,21m), tại Lý Nhân: 9,33m (dưới BĐ 1: 0,17m); sông Bưởi tại Kim Tân: 10,64m (dưới BĐ 2: 0,36m).

Lúc 13 giờ ngày 20/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 32,62m, trên BĐ 3: 0,62m; tại Phú Thọ: 17,88m, trên BĐ 1: 0,38m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 4,67m, trên BĐ 1: 0,37m; trên sông Mã tại Cẩm Thủy: 18,94m, dưới BĐ2: 0,06m và tại Lý Nhân: 9,55m ,trên BĐ 1: 0,05m.

Mực nước trên sông Lục Nam, sông Hoàng Long và sông Bưởi đang dao động ở mức đỉnh. Mực nước tại Lục Nam đạt mức 5,51m, trên BĐ 2: 0,21m (11 giờ ngày 20/8); sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt mức: 3,47m, dưới BĐ 2: 0,03m (10 giờ ngày 20/8); trên sông Bưởi tại Kim Tân đạt mức 10,79m, dưới BĐ 2: 0,21m (13 giờ ngày 20/8).

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng dự báo, mưa tiếp tục giảm nhanh trên khu vực các tỉnh Bắc Bắc Bộ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ còn mưa trong ngày hôm nay với lượng không lớn, phổ biến 10-20mm, cục bộ một số nơi vẫn còn mưa trên 30mm.

Đến tối nay (20/8), mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ lên mức 33,3m (trên BĐ 3: 1,3m), tại Phú Thọ lên mức 18,5m (trên mức BĐ 2: 0,3m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức 5,3m (ở mức BĐ 2); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đạt đỉnh ở mức 4,80m (trên BĐ 1: 0,5m); trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ ở mức 3,30m (dưới BĐ 2: 0,2m); trên sông Mã tại Lý Nhân đạt đỉnh ở mức 9,8m (trên BĐ 1: 0,3m).

Đến sáng mai (21/8), mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ ở mức 32,8m (trên BĐ 3: 0,8m); tại Phú Thọ có khả năng ở mức 18,8m (dưới mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam xuống mức 4,8m (trên BĐ 1: 0,5m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 4,5m (trên BĐ 1: 0,2m); sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 9,3m (dưới BĐ 1: 0,2m).

Đêm nay và sáng mai (21/8), nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đặc biệt trên địa phận huyện Hạ Hòa và thành phố Yên Bái.

Ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Thanh Hóa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2

TP Yên Bái ngập sâu trong nước. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 19 đến sáng ngày 20/8 mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường tại thành phố Yên Bái như Hoàng Hoa Thám, Thanh Niên… ngập sâu 20-50 cm. Nhiều gia đình đã sơ tán, di chuyển tài sản, vật dụng đến nơi an toàn.
TP Yên Bái có nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước.
TP Yên Bái có nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước.
 
Trong sáng 20/8, tại tuyến QL32 đoạn qua khu vực đèo Khau Phạ (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá tràn ra mặt đường khiến giao thông bị ách tắc.

Tuyến đường Yên Bái – Cổ Phúc (Trấn Yên), giao thông bị chia cắt. Thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là địa bàn có tuyết đường sắt cắt ngang đang bị ngập sâu và các hộ dân đang gồng mình “chống chọi” lại từng đợt nước ùn vào trong nhà. Giao thông đi lại chật vật, người người qua lại hết sức khẩn trương vận chuyển đồ đạc nhằm đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Cầu Nga Quán nước dâng cao chạm gầm cầu
Cầu Nga Quán nước dâng cao chạm gầm cầu
15 giờ 45 phút trưa 20/8, tại cầu Nga Quán trên đường Yên Bái – Khe Sang thuộc xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nước đã dâng cao trên 30 cm và ngập hết phần đường dành cho các phương tiện giao thông. Tuyến đường sắt nằm bên phía sông Hồng đã ngập chìm trong biển nước. Nước dâng cao đã khiến giao thông bị chia cắt. Lực lượng công an xã, cảnh sát giao thông đã phải túc trực các chốt hướng dẫn người tham gia giao thông.
Tuyến đường sắt Yên Bái - Trái Hút đã ngập sâu trong nước
Tuyến đường sắt Yên Bái - Trái Hút đã ngập sâu trong nước
Được biết, tuyến đường Yên Bái - Khe Sang ngập 4 điểm (đoạn xã Nga Quán giáp ranh thành phố Yên Bái, đoạn Trường THPT Lê Quý Đôn - thị trấn Cổ Phúc, đoạn cầu xã Đào Thịnh, đoạn cầu Móc Tôm - xã Báo Đáp). Phía bên kia sông Hồng, tuyến đường 32C đoạn Âu Lâu - Quy Mông ngập 7 điểm (xã Minh Tiến 3 điểm, xã Y Can 1 điểm, xã Quy Mông 3 điểm). Tuyến đường sắt Yên Bái – Lào Cai đã phải cấm đường do ngập đoạn qua tỉnh Yên Bái, giao thông đường sắt ngưng trệ.

Ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích lúa đang được gieo cấy và hoa màu.

Lũ lớn nhấn chìm toàn bộ đảo Soi Tiền, cô lập 60 hộ dân ở huyện Văn Bàn. Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 nên cả đêm hôm qua (19/8) và rạng sáng ngày hôm nay (20/8), trên địa bàn tỉnh Lào Cai mưa rất to, nước lũ rất lớn từ thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc đổ về đã nhấn chìm đảo Soi Tiền nằm giữa dòng sông Hồng đoạn chảy qua thành phố biên giới Lào Cai.
Lũ lớn nhấn chìm toàn bộ đảo Soi Tiền nằm giữa dòng sông Hồng chảy qua địa phận thành phố Lào Cai.
Lũ lớn nhấn chìm toàn bộ đảo Soi Tiền nằm giữa dòng sông Hồng chảy qua địa phận thành phố Lào Cai.
Lũ sông Hồng đang tiếp tục lên nhanh trên báo động 1 và đây là trận lũ lớn nhất xuất hiện trên sông Hồng trong mùa mưa 2016. Lũ lớn trên thượng nguồn sông Hồng đã làm ngừng trệ tuyến vận tải đường thủy xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát) và cản trở thi công các tuyến kè bê tông chống sạt lở ven sông.

Thượng nguồn sông Chảy qua địa phân các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà nước lũ lớn cũng đang đổ về khác ngày thường. Các ngòi lớn của tỉnh Lào Cai như ngòi Đum, ngòi Nhù, ngòi Bo, ngòi Đường... xuất hiện lũ ống ngập hết các đường ngầm ô tô qua suối, làm ách tắc giao thông.

Tại xã Hòa Mạc, 1 cầu cứng bị lũ cuốn trôi, 1 cầu treo bị hỏng. Cầu treo Văn Sơn và Võ Lao bị lũ cuốn bật mố cầu, đứt dây cáp, sập cầu làm cô lập trên 60 hộ dân của xã Văn Sơn và Võ Lao.

Tính đến 13 giờ chiều 20/8, mưa lũ đã cuốn trôi 4 nhà dân tại các xã Nậm Xây (2 nhà), Dương Quì (1 nhà), Chiếng Ken (1 nhà) đồng thời làm sập đổ hoàn toàn 2 nhà tại xã Dương Quì.
Tại xã Dương Quì, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mưa lớn khiến 3 căn nhà tại thôn Mường B gần khe suối đổ sập hoàn toàn.
Tại xã Dương Quì, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mưa lớn khiến 3 căn nhà tại thôn Mường B gần khe suối đổ sập hoàn toàn.
Mưa lớn gây ngập lụt nhiều điểm tại các xã Nậm Xây, Dương Quì, Hoàn Mạc, Liêm Phú, Chiềng Ken khiến 217 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp, trong đó xã Hòa Mạc bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 110 hộ phải sơ tán khẩn cấp.

Mưa lũ cũng đã làm ngập hơn 250ha lúa, ngô tại các xã Võ Lao, Văn Sơn, Hòa Mạc, Dương Quì, Chiềng Ken, Liêm Phú. Lũ cuốn trôi 15 con trâu bò tại xã Hoà Mạc và Làng Giàng.

Vào khoảng 9 giờ sáng 20/8, trên suối Chăn, đoạn qua xã Dương Quì các cơ quan chức năng phát hiện một thi thể bị lũ cuốn trôi, hiện chưa xác định được danh tính.
Tại xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mưa lớn khiến nhiều diện tích hoa màu ngập lụt.
Tại xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mưa lớn khiến nhiều diện tích hoa màu ngập lụt.
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Văn Bàn đã túc trực chỉ đạo thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện phụ trách các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời đi kiểm tra hiện trường, khắc phục hậu quả với phương châm 4 tại chỗ.

Hiện nay, tại các xã phía Tây của địa bàn huyện Văn Bàn vẫn đang tiếp tục có mưa to.

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai Lưu Minh Hải cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên đêm hôm qua (19/8) trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa rất to, đặc biệt ở huyện Văn Bàn mưa 114 mm, huyện Sa Pa mưa 158 mm... Cùng với mưa to tại chỗ và nước từ phía thượng nguồn đổ về nên suối ngòi Nhù và sông Hồng ở khu vực tỉnh Lào Cai xuất hiện lũ lớn nhất tính từ đầu mùa mưa lũ 2016 tới nay.
Nước lũ cuốn trôi nhiều cầu treo và cầu dân sinh ở huyện Văn Bàn.
Nước lũ cuốn trôi nhiều cầu treo và cầu dân sinh ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nước lũ đã cuốn trôi 1 cháu bé 14 tuổi tại thôn Thào Hồng Dến, xã Hầu Thào; làm 34 ngôi nhà tại các xã Trung Chải, Thanh Kim bị tốc mái; 2 nhà bị đất đá sạt vào. Nước lũ cuốn trôi 12 xe máy của các hộ dân xã Lao Chải và San Sả Hồ; làm đổ 8 cột điện đường dây 0,4 Kv tại xã Thanh Kim, San Sả Hồ, Tả Phìn gây mất điện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm một số gia đình bị ngập lụt và nguy hiểm tại huyện Sa Pa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào CaiNguyễn Hữu Thể thăm một số gia đình bị ngập lụt và nguy hiểm tại huyện Sa Pa.
Nước lũ cũng cuốn trôi 1 cầu sắt và 1 cầu gỗ tại thôn Dền Thàng, xã Tả Van khiến hơn 30 hộ dân bị cô lập. Quốc lộ 4D bị ngập úng tại km 120 (đoạn Lào Cai - Sa Pa), nước ngập cục bộ vào 16 nhà dân trong khu vực; Tỉnh lộ 152 bị sạt lở đất gây ách tắc tại km 15 xã Bản Hồ, km 13 xã Sử Pán, km 34 xã Thanh Phú...

Tại tỉnh Sơn La, lượng mưa cao nhất đo được ở huyện Mộc Châu có nơi lên đến hơn 180 mm. Lũ cấp báo động III cũng xảy ra trên suối Nậm Pàn thuộc huyện Mai Sơn và lũ cấp báo động I trên suối Nậm La thuộc thành phố Sơn La cũng đã được cảnh báo.

Trận mưa lũ lần này được nhiều người so sánh gần bằng trận lũ lịch sử xảy ra năm 2007, đã cuốn trôi nhiều cây cối và hoa màu. Trạm bơm nước cấp I thuộc xã Sặc Vạt, nơi cung cấp nước sạch cho toàn thị trấn Yên Châu mới khánh thành và đưa vào sử dụng tháng trước là một trong số nhiều công trình hạ tầng bị nước lũ phá hủy.