Cảnh báo lũ trên hệ thống sông Bắc bộ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 24 giờ qua từ 13 giờ ngày 22/7 đến 13 giờ ngày 23/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.



Tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 100 mm như: Mường Lay: 116 mm; Bình Lư: 135 mm; Vĩnh Yên: 116 mm; Phú Lương: 101 mm.
 
Mực nước trên các sông Lô, sông Gâm, sông Thao và sông Đà đang lên; lúc 13h ngày 23/7 trên sông Thao tại Yên Bái: 28,29 m; sông Lô tại Tuyên Quang 19,09 m, đều dưới mức báo động I. Lưu lượng đến hồ Sơn La ở mức 4200 m3/s và còn đang tăng.

Trong 2, 3 ngày tới do ảnh hưởng mưa của hoàn lưu bão số 4, khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Thao, Lô, Gâm, thượng lưu sông Cầu, Thương, Lục Nam, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức báo động I đến báo động II, có nơi trên báo động II. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ thủy điện nhưng còn dưới mức báo động I.

Đề phòng  lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên các sông suối miền núi các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang…

Tình hình lũ còn diễn biến phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 750km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 13 giờ ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi dọc vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đi vào khu vực các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 25/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. 
 
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ chiều mai (24/7) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ đêm mai (24/7) các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Từ chiều tối và đêm mai (24/7) ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. 

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Bản tin tiếp theo được phát vào lúc 17h30 ngày 23/7. 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần