Cảnh báo lừa đảo giả mạo người thân bị bắt cóc trên Facebook
Kinhtedothi - Gần đây, nhiều nhóm đối tượng lợi dụng hình ảnh và thông tin của những người đang đi làm, học tập xa nhà lập tài khoản Facebook ảo rồi nhắn tin cho người thân với kịch bản bị bắt cóc. Thủ đoạn tinh vi này gây tâm lý hoang mang và nguy cơ mất tiền, lộ thông tin cá nhân.

Đối tượng lừa đảo lập facebook giả để nhắn tin cho người thân nhân vật N.Đ.L.
Đây là thủ đoạn không mới nhưng nó vẫn đang diễn ra nhất là khi mạng xã hội đang là "mành đất màu mỡ" cho các đối tượng lừa đảo.
Không chỉ ở các Thành phố lớn, tình trạng mạo danh, lấy cắp thông tin người thật, đặc biệt là người trẻ tuổi, xa gia đình đang bùng phát trên mạng xã hội. Đối tượng thường chọn các nạn nhân ít khả năng kiểm tra trực tiếp với gia đình hoặc ở đất nước khác, dễ bị "nhận diện nhầm" qua Facebook. Sau khi tìm được hình ảnh và thông tin công khai của anh N.Đ.L đang học tập ở Anh, các đối tượng đã lập tài khoản ảo sử dụng chính tên, ảnh đại diện của nạn nhân.
Kịch bản lừa đảo bắt đầu khi đối tượng từ tài khoản Facebook ảo chủ động kết bạn, nhắn tin với người thân, bạn bè của N.Đ.L. Nội dung tin nhắn thường rất cấp bách, chẳng hạn: "Hiện tại mình đang bị bắt cóc ở nước ngoài", "Nếu mình hỏi vay tiền, xin thông tin là do mình bị ép", "Các bạn báo công an giải cứu mình". Chúng còn nhắn nhiều lần với các câu từ thân mật, gần gũi: "Mẹ ơi", "Mẹ có lên mạng không mẹ?", "Mẹ lên mạng thì trả lời lại cho con với mẹ…" nhằm tạo thêm sự tin tưởng, khiến người thân mất bình tĩnh và dễ làm theo yêu cầu.
Thủ đoạn này vô cùng nguy hiểm vì đánh mạnh vào tâm lý gia đình lo lắng cho người thân ở xa. Hệ lụy là nhiều phụ huynh, họ hàng, bạn bè đã vội vàng chuyển tiền theo hướng dẫn của đối tượng, cung cấp thông tin cá nhân mà không xác minh lại thực tế, gây mất mát tài chính, ảnh hưởng danh dự cũng như đời sống tinh thần của nạn nhân.
Bên cạnh đó, việc để lộ thông tin cá nhân còn khiến các thành viên khác trong gia đình trở thành mục tiêu tiếp theo, tạo ra vòng lừa đảo khép kín với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, người dùng tuyệt đối không chuyển tiền, không chia sẻ thông tin quan trọng khi nhận được yêu cầu từ tài khoản Facebook lạ dù mang tên hoặc ảnh quen thuộc.
Để phòng tránh, hãy kiểm tra kỹ thông tin tài khoản liên lạc: thời gian tạo tài khoản, lịch sử bài đăng, cách xưng hô và nội dung trao đổi. Chủ động gọi điện xác minh qua số điện thoại cũ, hỏi bạn bè hoặc đồng nghiệp của người bị mạo danh để xác thực tình hình trước khi thực hiện bất kỳ yêu cầu nào.
Khi nhận được các tin nhắn có nội dung bất thường như bị bắt cóc, bị ép chuyển tiền, người thân cần bình tĩnh, không làm theo ngay mà báo cho cơ quan chức năng, công an khu vực để được hướng dẫn, hỗ trợ kiểm tra.
Tình trạng giả mạo tài khoản Facebook để thực hiện chiêu lừa "bị bắt cóc ở nước ngoài" như trường hợp của N.Đ.L. là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi gia đình. Mọi người cần nâng cao cảnh giác, phổ biến kiến thức phòng tránh, kịp thời lan tỏa cảnh báo để không ai trở thành nạn nhân của những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.

Kịp thời hỗ trợ một gia đình thoát khỏi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Kinhtedothi - Ngày 18/7, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, vừa kịp thời hỗ trợ gia đình chị N.T.L (SN 1983, trú tại phường Hồng Gai) thoát khỏi một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Campuchia tạm giữ hơn 140 người Việt nghi liên quan lừa đảo trực tuyến
Kinhtedothi - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã đề nghị chính quyền địa phương đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho 140 công dân Việt Nam và phối hợp hoàn tất thủ tục xác minh nhân thân ban đầu.

Cảnh báo: Google Gemini có thể trở thành công cụ lừa đảo của hacker
Kinhtedothi- Google Gemini for Workspace có thể bị hacker khai thác để tạo ra các bản tóm tắt email trông hợp pháp nhằm dẫn người dùng đến các trang lừa đảo.