Cảnh báo lừa đảo thông qua đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát đi cảnh báo về việc nhiều nhà đầu tư bị lừa đảo, do đầu tư vào các loại tiền mã hóa như Pi, USDT, BUSD... trên các sàn giao dịch chứng khoán trái phép.

Tái diễn tình trạng đầu tư tài chính qua mạng

UBCKNN cho biết, thời gian qua xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đặt biển tên công ty chứng khoán khi chưa được cấp phép, tổ chức vận hành các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép (Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com…)

Tái diễn tình trạng đầu tư tài chính qua mạng. Ảnh minh hoạ
Tái diễn tình trạng đầu tư tài chính qua mạng. Ảnh minh hoạ

"Thông qua mạng xã hội, các sàn giao dịch kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức, vận hành. Sau một thời gian không rút được tiền, hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng, nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo" - UBCKNN nhận định.

Trước thực trạng này, UBCKNN khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa. Do đó, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi nhận được lời mời chào đầu tư từ các cá nhân, tổ chức không rõ lai lịch, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch.

"Cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào các loại tài sản ảo, tiền mã hóa hoặc tham gia giao dịch chứng khoán, tài sản ảo trên sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép” - UBCKNN cảnh báo.

Thời gian vừa qua, hoạt động của các sàn giao dịch ảo, đầu tư tài chính tiền ảo, tài sản ảo trong cả nước diễn biến phức tạp. Vì ham lợi nhuận lớn, nhiều người tham gia các sàn giao dịch trái phép, dẫn đến thua lỗ, trắng tay.

Trong các hội thảo, một số người tự xưng là những người liên quan đến người nổi tiếng hoặc cựu giám đốc của một ngân hàng tại nước ngoài như Thái Lan, Singapore... Họ giới thiệu về các gói đầu tư với lãi suất từ 10 - 15%/tháng, hoa hồng hệ thống tính theo cấp độ (F0: 5%, FT: 3%, F2: 29%), hoa hồng theo doanh số. Để tham gia, người chơi cần phải mua tiền mã hóa USDT và gửi đến ví chỉ định hoặc mua lại tiền nội bộ trong hệ thống. Sau một thời gian không rút được tiền, hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng, nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo.

Cảnh báo rủi ro lớn

Số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về giai đoạn từ 10/2021- 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là gần 1 tỷ USD.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 đến 1/10/2022. Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Theo lãnh đạo Phòng 4 - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tại Việt Nam hiện nay có một số sàn kinh doanh ngoại hối của nước ngoài hoạt động, như: Exness, Icmarkets... Đây là các doanh nghiệp được thành lập, cấp phép kinh doanh hoạt động ngoại hối tại nước ngoài. Với mục tiêu mở rộng thị trường, các sàn này tuyển mộ, thu hút một số cá nhân người Việt Nam làm môi giới viên (Introducing Broker, IB) nhằm quảng bá dịch vụ và "làm dòng tiền". Các môi giới viên lo hướng dẫn khách hàng mở tài khoản tại sàn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về kinh doanh Forex, hướng dẫn, hỗ trợ nạp, rút tiền... Các cá nhân môi giới có thể hoạt động độc lập hoặc xây dựng công ty "bình phong" cho hoạt động kinh doanh Forex.

Thứ hai là các cá nhân người Việt Nam tổ chức thành lập sàn Forex. Cụ thể, một số đối tượng thành lập công ty tại Việt Nam (hoạt động thông thường theo Luật Doanh nghiệp...) để làm "bình phong" cho hoạt động kinh doanh sàn Forex trái phép. Các đối tượng tuyển mộ nhân viên môi giới, thuê địa điểm hoạt động, quảng bá là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế đã được cấp phép, nhưng trên thực tế là hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh sàn Forex, các đối tượng tổ chức hoạt động kinh doanh quyền chọn nhị phân (Binary Option, BO). Mô hình hoạt động của quyền chọn nhị phân là khách hàng lựa chọn lệnh mua (bán) một cặp tỉ giá ngoại tệ (tiền ảo, tiền mã hóa); sau một khoảng thời gian xác định, nếu tỉ giá tăng (giảm) thì khách hàng sẽ thắng và ngược lại thì mất hết số tiền cược. Mô hình này hoạt động tương tự như hình thức đánh bạc, cá độ trực tuyến.

Thời gian qua, cơ quan chức năng tích cực xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng, các cơ quan truyền thông cũng liên tục phát đi những cảnh báo để người dân có thể phòng, tránh. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên thay đổi cách thức với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang. Không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.