Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo nguy cơ thiên tai do không khí lạnh tại Hà Nội và nhiều tỉnh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài nền nhiệt độ giảm, không khí lạnh dự kiến sẽ gây mưa dông, lốc sét tại Hà Nội và nhiều tỉnh, TP. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng chống.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng gần sáng và ngày 19/2, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng yếu đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, gió Đông Bắc trong đất liền sẽ mạnh dần lên cấp 2 - 3. Ở các tỉnh, TP thuộc Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) và khu vực Bắc Trung Bộ, trời tiếp tục rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm.

Không khí lạnh có thể gây mưa dông tại Hà Nội.
Không khí lạnh có thể gây mưa dông tại Hà Nội.

Tại khu vực vùng núi Bắc Bộ, nhiệt độ trung bình dao động từ 15 - 17 độ C, nhiệt độ thấp nhất từ 11 - 13 độ C, có nơi dưới 10 độ C. Các nơi khác ở Bắc Bộ Bắc Trung Bộ, nhiệt độ trung bình duy trì ở mức cao hơn từ 18 - 20 độ C, trong đó nhiệt độ thấp nhất từ 14 - 17 độ C.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ thiên tai đi kèm với không khí lạnh. Theo đó, từ đêm 18 - 19/2, do ảnh hưởng của rãnh gió Tây trên cao kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 18/2 cho biết, những ngày qua, đơn vị tiếp tục duy trì tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Kịp thời chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Trong ít ngày tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương (bao gồm cả Hà Nội), cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, không khí lạnh tăng cường để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bên cạnh đó, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để chỉ đạo xử lý tình huống kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại...