Cảnh báo nhập siêu từ Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhập siêu là một trong những thách thức hiện nay, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc lớn nhất, gia tăng và có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Nhập siêu từ Trung Quốc qua các năm   (Tỷ USD)
Nhập siêu từ Trung Quốc qua các năm (Tỷ USD)
Các chỉ số thống kê cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc đã liên tục gia tăng. Trong 7 tháng năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 9,3 tỷ USD (chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), tăng 8,3%, trong khi nhập khẩu từ đây 28,8 tỷ USD (chiếm 30,1% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng tới 22,5%, nhập siêu đã ở mức 19,5 tỷ USD, tăng 30,7% (hay gần 4,6 tỷ USD so với cùng kỳ). Theo công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, số liệu xuất nhập khẩu và nhập siêu năm 2014 từ Trung Quốc còn cao hơn nhiều so với số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (xuất khẩu cao hơn khoảng 5 tỷ USD, nhập khẩu cao hơn khoảng 20 tỷ USD, nhập siêu cao hơn 15 tỷ USD). Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gạo, xơ sợi dệt, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ… Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại và linh kiện, vải, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép…

Khả năng nhập siêu sẽ tiếp tục gia tăng mạnh hơn với quy mô khổng lồ. Nếu không có biến động lớn với “tiến độ” của 7 tháng, có thể dự báo cả năm xuất khẩu đạt 15,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 53,7 tỷ USD, nhập siêu sẽ vượt quá mốc 37,8 tỷ USD, hay tăng 10 tỷ USD so với năm trước. Tuy nhiên, mức nhập siêu sẽ còn lớn hơn mức dự báo nói trên, nếu xét dưới 3 phương diện:

Ở phương diện thứ nhất, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng, nhất là vào các ngành, lĩnh vực “từ sợi trở đi” để hưởng mức thuế suất thấp khi Việt Nam gia nhập vào các FTA thế hệ mới. Khi vốn đầu tư gia tăng, việc nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… tăng lên.

Ở phương diện thứ hai, để ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu,… Trung Quốc đã phá giá mạnh đồng CNY lên tới 1,9% - mức giảm giá mạnh nhất trong vài thập kỷ qua. Khi đồng CNY của Trung Quốc mất giá so với USD thì sẽ có tác động khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu với các nước nói chung và với Việt Nam nói riêng. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị đắt lên (khi tính bằng CNY); hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tính bằng VND sẽ bị rẻ đi.

Để giảm thiểu tác động nhập siêu lớn và tăng lên từ Trung Quốc, cần phải thực hiện nhiều giải pháp: Trước hết, về cơ bản và lâu dài, cần phải tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động; Thứ hai, thực hiện các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát việc nhập khẩu, nhất là nhập khẩu biên giới; Thứ ba, quyết liệt hơn nữa chống nhập lậu hàng giả, gom lên thương mại; Thứ tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm tính gia công, lắp ráp, giảm nhập khẩu; Thứ năm, trong điều kiện cán cân thương mại bị mất cân đối, tỷ giá thị trường có sự biến động, cần điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Việc nới lỏng biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% mới đây của NHNN là cần thiết. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc điều chỉnh tỷ giá, vì đó là yếu huyệt để hạn chế làm tăng chi phí nhập khẩu, tăng nợ nước ngoài tính bằng VND, tăng lạm phát…