Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo nhiều thách thức mới với xuất khẩu năm 2023

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo xuất khẩu năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách mới trước tình hình biến động mạnh của kinh tế thế giới, lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu.

Sức ép cạnh tranh lớn

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt những thách thức mới đang hiện hữu đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh hàng hoá lớn hơn nhiều so với thời gian trước từ các thị trường trong khu vực và nhiều thị trường có hàng hóa tương tự.

Quý 1/2023, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Ảnh minh họa
Quý 1/2023, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới, thị trường 1,4 tỷ dân này càng kiểm soát ngày một chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đơn cử như với ngành hàng thủy sản, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Tường Lan đánh giá, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 3/2023 giảm mạnh ở tất cả các thị trường như: Khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Mỹ giảm 55%, EU giảm 30%, Trung Quốc giảm 11%.

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cũng cảnh báo một số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Chẳng hạn như mặt hàng thuỷ sản sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn nữa từ các đối thủ đã có và sắp có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada như: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ.

Mặt hàng thủy sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ các thị trường Ecuador, Indonesia, Ấn Độ. Ảnh minh họa 
Mặt hàng thủy sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ các thị trường Ecuador, Indonesia, Ấn Độ. Ảnh minh họa 

Hay mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Haiti, Ai Cập…

Với thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khuyến cáo, chiến lược maketing của DN Việt Nam tại thị trường Anh chưa phù hợp cả về hình ảnh, ngôn ngữ. Do DN không có website phù hợp, tên DN quá dài, sử dụng email miễn phí… nên ít nhận được quan tâm của nhà nhập khẩu Anh. Do đó, DN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường nhanh, hiệu quả.

Nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích: Do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Trong quý I/2023, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu hơn 4 tỷ USD đã cho thấy tín hiệu xuất khẩu dần lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, dự báo những tháng tiếp theo và cả năm 2023, xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều thách thức chung của các thị trường đối tác.

Không dễ ứng phó

Trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

 

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Thông tin cụ thể về giải pháp giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Đặc biệt là gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.

Trước mắt, Bộ đã yêu cầu các thương vụ ngoài nước cần tập trung đánh giá dự báo tình hình kinh tế của các nước của khu vực sở tại. Nhất là những chính sách của các nước đối với phản ứng trước những diễn biến những khó khăn, thách thức về phạm vi toàn cầu. Qua đó, các thương vụ ngoài nước đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu với Bộ, với Chính phủ.

Đối với các cơ quan chuyên môn của Bộ, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cacbon thấp, lao động và công đoàn.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng.

Mặt khác, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ DN tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực.