Cảnh báo tình trạng chiếm dụng đất dự án, hồ điều hòa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng đất dự án, công viên, hồ điều hòa trên địa bàn Hà Nội đang bị chiếm dụng...

Kinhtedothi - Tình trạng đất dự án, công viên, hồ điều hòa trên địa bàn Hà Nội đang bị chiếm dụng đã và đang trở thành vấn đề nóng và được dư luận đặc biệt quan tâm. Trên diện tích đất đó đáng ra là các dự án, công trình phải tuân thủ đúng quy hoạch, song, lại ồ ạt mọc lên các nhà hàng, quán cà phê, quán bia, sân bóng...

Trong khi lực lượng chức năng, chính quyền các cấp vẫn đang "loay hoay" giải quyết thì tình trạng này lại đang có xu hướng gia tăng, thậm chí ở mức báo động. Vậy, thực trạng đó diễn ra như thế nào và giải pháp nào để giải "bài toán" này? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ làm rõ vấn đề trong loạt bài viết sau:

Bài 1:  Ai đang “xâm lấn” Hồ Tây?

Du thuyền, nhà hàng, quán cà phê hoạt động cả ngày lẫn đêm, xả thải trực tiếp xuống hồ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có du thuyền còn biến tướng hoạt động theo kiểu quán bar, vũ trường. Điều đáng nói, hầu hết các tàu thuyền này đều hết thời hạn kinh doanh… Đó là tình trạng đang diễn ra tại Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội).

 
Các du thuyền có trên Hồ Tây đều đã hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tuy nhiên đến nay vẫn hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Đạt
Các du thuyền có trên Hồ Tây đều đã hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tuy nhiên đến nay vẫn hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Đạt
Đua nhau “chiếm” hồ

Dạo một vòng quanh Hồ Tây và quan sát có thể thấy: Tại khu vực đầu đường Thụy Khuê có hàng chục tàu, thuyền đang neo đậu. Theo đó, hàng chục quán kinh doanh nhà hàng nổi hoạt động như nhà hàng Potomac, nhà hàng Tây Long 2, Tây Long 3 và Eureka đều đã hết hạn hoạt động bến thủy nội địa nhưng vẫn đón khách đến "ăn chơi" tấp nập. Do quy trình xả thải chưa khép kín, ý thức của các hộ kinh doanh còn kém nên mặt nước tại nhiều khu vực của Hồ Tây đen đặc, bốc mùi hôi thối, rác thải đọng kết thành mảng, khiến nguồn nước ở đây đang bị ô nhiễm ở mức báo động (!)

Không dừng lại ở đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa bàn phường Nhật Tân còn nổi lên một khu ăn uống với cái tên Nhà hàng Hải Long. Khu kinh doanh này ngoài việc trưng biển quảng cáo cỡ lớn, còn dựng nhiều nhà gỗ với mục đích biến lòng hồ thành nơi để kinh doanh. Không chỉ có nhà hàng Hải Long đang "băm nát" lòng hồ mà tại khu vực đầm Bảy (thuộc phường Nhật Tân) tình trạng này cũng đang diễn ra khá rầm rộ. Qua tìm hiểu, được biết, trước đây, bờ ngăn cách giữa Hồ Tây và đầm Bảy có chiều ngang chỉ đủ một người đi bộ. Sau đó, một số người "nhảy dù" đổ đất lấn chiếm mặt nước, bờ kè mở rộng ra khoảng 7m, tạo nên khu "đất vàng" có diện tích hàng trăm mét vuông. Bà Nguyễn Thị H., người dân khu vực bức xúc: "Đầm Bảy trước đây thông với Hồ Tây bằng cửa cống rộng, nhưng từ khi bị xâm lấn đã trở thành cái ao con. Họ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp việc đảm bảo môi trường nước".

Theo quan sát của phóng viên, sau khi mở rộng, khoảng 3 năm trở lại đây, ven bờ kè ngăn cách này đã mọc lên hai nhà hàng cà phê có quy mô lớn trên diện tích rộng cả trăm mét vuông. Để tạo lối đi vào nhà hàng, hệ thống lan can sắt bảo vệ an toàn xung quanh cũng bị cắt phá để phục vụ cho công việc kinh doanh nhưng không bị cơ quan nào nhắc nhở, xử lý. Theo bà H., người dân khu vực đã nhiều lần phản ánh hành vi chiếm dụng bờ kè ngăn Hồ Tây với đầm Bảy để làm nhà hàng lên chính quyền sở tại, yêu cầu xử lý nghiêm, trả lại không gian thông thoáng cho bờ kè, nhưng mọi việc vẫn không có chuyển biến, thậm chí có dấu hiệu "chìm xuồng".

Không chỉ có khu vực phường Nhật Tân mà tại khu vực phường Quảng An cũng có nhiều nhà hàng, quán cà phê kinh doanh trái phép trên Hồ Tây và điển hình là khu kinh doanh Thủy sản Đảo Sen. Nhà hàng này bao gồm 8 lều lán được dựng bằng tre lợp kè, toàn bộ khu nhà vệ sinh dành cho khách đến nhà hàng được đặt ngay trên một chiếc thuyền tôn, được thiết kế trông như một ngôi nhà nhỏ giữa hồ. Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng tại khu vực này còn tồn tại một quán cà phê mang tên Coffee Maldives nằm trên đất công, hoạt động kinh doanh trái phép nhưng đến nay vẫn "ung dung" tồn tại.

Ngoài các nhà hàng nổi trên Hồ Tây, dạo quanh các tuyến đường ven hồ (từ đầu đường Thanh Niên tới đường Lạc Long Quân) còn dễ dàng nhận thấy nhiều quán xá cứ về tối là sầm uất, vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và vô tư xả rác thải khiến Hồ Tây ngày thêm ô nhiễm.

Chính quyền thiếu trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Hữu Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân khẳng định, chưa hề nhận được bất cứ giấy phép nào của khu kinh doanh mới nổi (nhà hàng Hải Long) này ở Hồ Tây. Đầu năm 2014, việc vi phạm này cũng đã được xử lý nhưng DN vẫn cố tình vi phạm.

Nhà hàng này nằm trong khu vực được TP Hà Nội giao cho Công ty Phú Điền làm cấp thoát nước giai đoạn 2 nên phường không quản lý. Phía UBND phường cũng thường xuyên kiểm tra khu vực kinh doanh này và đã yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh và tháo dỡ biển quảng cáo. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: Hiện nay, nhà hàng Hải Long vẫn hoạt động bình thường và đang tiếp tục dựng thêm biển, nhà gỗ trên lòng hồ, với trách nhiệm quản lý, liệu UBND phường có làm ngơ? Ông Tiến đưa ra câu trả lời loanh quanh, biện minh rằng… đất quản lý thuộc Công ty Phú Điền.

Liên quan đến tình trạng chiếm dụng lòng hồ kinh doanh tại địa bàn phường Quảng An, đại diện UBND phường Quảng An cho rằng: Khu đất này thuộc đất công và do phường Quảng An quản lý, quán cà phê kinh doanh cách đây 2 năm chưa hề có giấy phép kinh doanh. Phường đã báo cáo, hồ sơ gửi quận để có hướng xử lý dứt điểm.

Theo kết quả điều tra mới đây của Phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hà Nội, rất nhiều nhà hàng du thuyền ở Hồ Tây thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhiều nhà hàng du thuyền xả thải vào nguồn nước lưu lượng từ 5m3/ngày đêm. Cao điểm, lưu lượng còn lên tới 50m3/ngày đêm. Xử phạt xong đâu lại vào đấy. Thậm chí, nhiều nhà hàng du thuyền còn hết thời hạn đăng kiểm nhưng vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ của tai nạn đường thủy.

Trước tình trạng Hồ Tây bị "băm nát", dư luận đặt câu hỏi, chỉ vì mục đích kinh doanh nhằm trục lợi cá nhân đã diễn ra nhiều năm vì sao chính quyền sở tại lại không có biện pháp xử lý, mà để cho tình trạng sai phạm ngày càng gia tăng?     
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), 6 quận Hà Nội (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Cầu Giấy) hiện có 120 hồ lớn, nhỏ. Trong đó, 80 hồ có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, còn lại là ô nhiễm vừa. Tới 71% hồ có BOD5 (là lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C) vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l), 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% hồ bị ô nhiễm nhẹ.
(Còn nữa)