70 năm giải phóng Thủ đô

Canh cánh nỗi lo xuất siêu đạt kỷ lục

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Xuất siêu lập kỷ lục mới khi trong 7 tháng năm 2023 đạt 16,48 tỷ USD. Con số này làm dấy lên nỗi lo sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong thời gian tới khi DN vẫn đói đơn hàng, phụ thuộc vào “sức khỏe” của hai thị trường Mỹ và EU.

Xuất siêu lập kỷ lục mới

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).

7 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu 16,48 tỷ USD. Ảnh minh họa
7 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu 16,48 tỷ USD. Ảnh minh họa

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 thặng dư 16,48 tỷ USD, cao gấp hơn 12 lần so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 44,3 tỷ USD giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 16,4 tỷ USD, giảm 11,9%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 0,9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,4 tỷ USD). Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 27 tỷ USD, giảm 35,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,5 tỷ USD, giảm 35,1%; nhập siêu từ ASEAN 5 tỷ USD, giảm 35,3%.

Với kết quả này cho thấy, do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu nên nền kinh tế tiếp tục có thặng dư thương mại. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, cán cân thương mại vẫn xuất siêu là tốt. Bởi, xuất siêu lớn là yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có mức giá cao kỷ lục. Ảnh minh họa
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có mức giá cao kỷ lục. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc nền kinh tế tiếp tục xuất siêu lớn làm dấy lên nỗi lo sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong thời gian tới. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhưng nhập khẩu giảm chứng tỏ DN vẫn đang thiếu đơn hàng, nên chưa có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu

Nhận định về toàn cảnh bức tranh xuất nhập khẩu, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: 7 tháng qua, con số xuất siêu có được do kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, trong đó nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Nhiều thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đều cắt giảm tiêu dùng, kéo đơn hàng xuất khẩu của DN trong nước sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, hơn 90% hàng hóa nhập khẩu của nước ta là hàng tư liệu phục vụ hoạt động sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu tư liệu giảm chứng tỏ nền kinh tế đang gặp khó khăn, sản xuất đình trệ.

 

Các DN xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm rất nhiều đến vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu và hiểu rõ cũng như tuân thủ những quy định của hiệp định thương mại ở mọi phương diện như: An toàn thực phẩm, môi trường, lao động… Đây là vấn đề hàng đầu cho tất cả các quốc gia, nếu các DN xuất khẩu Việt Nam không quan tâm đúng mức hay xem nhẹ thì chắc chắn xuất khẩu sẽ không bền vững.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện xuất siêu nhưng lo nhiều hơn mừng được nhắc tới. Nỗi lo suy giảm động lực sản xuất đã được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập rất nhiều khi nhìn từ con số xuất siêu lớn. Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, nhập khẩu giảm, xuất siêu lớn là chỉ dấu cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Khuyến nghị về giải pháp, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Do Việt Nam luôn dựa vào thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và EU nên đây là thời điểm nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp sự suy giảm khi Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Mặt khác, hiện tại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng đây cũng là rủi ro vì nếu nền kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn thì hàng hóa của nước bạn sang Việt Nam cũng gặp những trở ngại. Vì thế, Việt Nam cần phải đa dạng hóa không những cả thị trường xuất khẩu mà cả thị trường nhập khẩu.

Ngay từ đầu quý II/2023, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào những thị trường mới như: Châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là giải pháp mà Bộ Công Thương đã đi đúng hướng khi tìm cách xâm nhập vào những thị trường mà Việt Nam chưa khai thác hoặc chưa phát triển mạnh mẽ.

Thế nhưng theo các chuyên gia kinh tế, không hề dễ dàng để có thể khai phá thị trường mới và đặc biệt là châu Mỹ Latin, châu Phi, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là những thị trường mà nội tại họ cũng gặp rất nhiều khó khăn.