Cánh cửa xuất khẩu sang Trung Quốc thêm rộng mở

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Trung Quốc nhiều năm liền giữ vị trí là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam đã cho thấy quan hệ thương mại Việt - Trung đã có sự ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ.

Đây là cơ hội thuận lợi để các DN, ngành hàng của Việt Nam tiếp tục gia tăng xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này.

Thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu

Thời gian qua, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD, tăng 28%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tỷ USD, tăng 7,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc 19,3 tỷ USD, tăng 38,8%.

Xe chở hàng nông sản xuất khẩu qua Lào Cai sang Trung Quốc. Ảnh: An Kiên
Xe chở hàng nông sản xuất khẩu qua Lào Cai sang Trung Quốc. Ảnh: An Kiên

Nổi bật nhất trong bức tranh thương mại Việt - Trung không thể không nhắc tới xuất khẩu nông sản khi thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, với giá trị 12,2 tỷ USD trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%.

Đáng chú ý, trong số các hàng nông sản xuất khẩu, sầu riêng đang là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với ước tính kim ngạch 254 triệu USD trong quý I/2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm. Một lợi thế nữa là sầu riêng Việt xuất sang Trung Quốc trong thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố đã giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.

Hay như mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam đạt 7,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Con số này cho thấy, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều DN Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận để thay thế nguồn cung từ các thị trường xa có chi phí vận chuyển cao hơn.

Gia tăng giá trị nhờ xuất khẩu chính ngạch

Sở dĩ một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt giá trị cao là nhờ xuất khẩu chính ngạch. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: để có được các Nghị định thư xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, các bộ ngành đã phải kiên trì theo đuổi để đáp ứng những yêu cầu của nước bạn.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xúc tiến mở rộng thêm 3 đối tượng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã ký với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) một nghị định thư về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở hai bên biên giới. Điều này sẽ giúp tăng cường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang thị trường rộng lớn này.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN, địa phương, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói.

“Thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân và Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về xuất khẩu sang thị trường này. DN cần tranh thủ để thu hoạch, sơ chế chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt những Nghị định thư giữa hai nước để gia tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu nông sản” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu mặt hàng rau quả chủ lực, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đi Trung Quốc vẫn duy trì ổn định, đều đặn, tăng trưởng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng để tăng trưởng ổn định và bền vững thì các DN Việt Nam phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy định của nước bạn đề ra.

“Bộ NN&PTNT cần có chính sách, hướng dẫn quy hoạch vùng nguyên liệu tốt, hỗ trợ bà con nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng đủ điều kiện xuất khẩu, đồng thời, cần đẩy nhanh đàm phán để có nhiều sản phẩm khác xuất chính ngạch vào thị trường này” - ông Nguyễn Đình Tùng đề xuất.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Nhận định về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, song Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.

Tính đến nay, Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận.

Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như trái vải, thanh long, sầu riêng, thủy sản vào thị trường này.

Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc do thói quen xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực thị trường sâu trong đại lục. Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của phía Trung Quốc thì nông sản Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước khác trong khu vực.

Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường từ phía người sản xuất và xuất khẩu nông sản mới có thể khai thác hiệu quả thị trường này. Người sản xuất cần loại bỏ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính mà phải xác định đây là thị trường có tiêu chuẩn cao và kiểm soát khắt khe để sản xuất chuẩn chỉnh về chất lượng ngay từ đầu.

Song song đó, DN xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường.

 

Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn