Theo đó, để hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Điện ảnh, hội sẽ phối hợp với các ban nghành để thực hiện các hoạt động chào mừng, trong đó có nhiều hoạt động đáng chú ý như:
Trình chiếu phim tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc trong khuôn khổ Tuần phim “Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành” do Cục Điện ảnh chủ trì từ ngày 25/2 – 15/3. Các phim được trình chiếu sẽ là các bộ phim truyện, tài liệu, hoạt hình... tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng. Ngoài ra, lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký sắc lệnh 147/SL cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào lúc 9h sáng 14/3 tới đây.
Một trong những hoạt động đáng chú ý trong những ngày này chính là việc Hội và Cục Điện ảnh sẽ phối hợp tổ chức cho văn nghệ sĩ điện ảnh lão thành và đại biểu thế hệ người làm phim trẻ các chuyến đi về nguồn thăm lại địa điểm tác nghiệp năm xưa của Điện ảnh kháng chiến Nam Bộ (tại Mộc Hóa, tỉnh Long An) và của Điện ảnh Việt Bắc (tại Điềm Mặc, tỉnh Thái Nguyên).
Ngoài ra, Cục Điện ảnh cũng sẽ tổ chức tu sửa Di tích Đồi cọ (tại xã Điềm Mặc, tỉnh Thái Nguyên), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL chính thức thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Nghi thức kỷ niệm trọng thể Ngày Điện ảnh Việt Nam trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Cánh diều cho tác phẩm và người làm phim điện ảnh, truyền hình xuất sắc năm 2012 vào 20h30 ngày 09/3/2013 tại Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức (chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh sóng HTV và nối sóng tới các đài truyền hình khác).
Một trong những hoạt động chính nữa của chương trình sẽ là Giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam có tên Cánh diều 2012. Lễ trao giải Cánh diều 2012 cùng nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam được tổ chức vào 20h30 ngày 9/3 tới đây tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Theo thông tin từ BTC, cơ cấu giải thưởng của giải năm nay sẽ bao gồm: Các giải chính thức là: “Cánh diều vàng”, “Cánh diều bạc” và “Bằng khen” trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất mỗi loại: Phim ngắn, Phim hoạt hình, Phim khoa học (điện ảnh và truyền hình), Phim tài liệu (điện ảnh và truyền hình), Phim truyện truyền hình, Phim truyện điện ảnh, Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh-truyền hình... Giải Báo chí - Phê bình điện ảnh cho phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất năm 2012.
Ngoài ra, còn các giải cá nhân gồm: “Cánh diều vàng” trao cho cá nhân là người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất, như: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, người làm âm thanh, nhạc sĩ, diễn viên nam chính và phụ, diễn viên nữ chính và phụ. Giải cho Đạo diễn của các loại phim: hoạt hình, khoa học, tài liệu. Biên kịch, đạo diễn và diễn viên nam, nữ chính phim truyện truyền hình.
Về số lượng phim (điện ảnh, truyền hình) và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh dự Giải Cánh diều 2012 bao gồm có 10 phim truyện điện ảnh, 18 phim truyền hình, 24 phim ngắn, 13 phim hoạt hình, 6 phim tài liệu điện ảnh và 31 phim tài liệu truyền hình, 10 phim khoa học và 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Với quy mô rộng lớn trên khắp toàn quốc, các hoạt động của Ngày điện ảnh Việt Nam sẽ mang đến cho công chúng những cái nhìn rõ nét hơn về Điện ảnh Việt Nam trong 60 năm qua.