Cánh đồng không đốt rơm rạ ở Đan Phượng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ, huyện Đan Phượng đã thu được lợi ích kép. Một mặt vừa hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, vừa bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Nông dân huyện Đan Phượng rắc chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Thời điểm này, các huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vào thu hoạch lúa Xuân. Trong khi nhiều địa phương loay hoay lo giải quyết tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì ở huyện Đan Phượng, việc này được xử lý khá hiệu quả. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, ngoài lượng rơm rạ được tận dụng làm thức ăn dự trữ cho bò sữa, nông dân trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nhờ vào việc xử lý bằng chế phẩm sinh học. Để có được kết quả này, Hội Nông dân huyện đã phải trải qua cả một quá trình dài tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng những mô hình điểm. Theo đó, từ năm 2017, huyện bắt đầu thử nghiệm mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học. Vụ Xuân năm 2019, huyện tiếp tục nhân rộng đại trà mô hình tại 9 xã trên địa bàn với diện tích 357ha. Ban đầu, để khuyến khích, động viên nông dân tham gia vào mô hình, huyện đã cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học cho nông dân và tập huấn kỹ thuật. “Việc hỗ trợ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, người nông dân hào hứng tham gia” – ông Son cho biết.
Tham gia vào mô hình ngay từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Vĩnh, thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ nhận xét: "Việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học đem lại lợi ích kép cho nông dân. Một mặt vừa bảo vệ môi trường, lại tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ nguồn phân hữu cơ". So với những ruộng đốt rơm, rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá và nghẹt rễ sinh lý. Cùng với đó, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất, hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau 13 - 15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.

Để nhân rộng thêm mô hình, ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa Xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường cộng đồng xây dựng mô hình cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ tại 4 xã, tổng diện tích 25ha.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần