70 năm giải phóng Thủ đô

Cảnh giác bệnh lao ở trẻ em

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến bệnh lao, người ta thường nghĩ đến đối tượng mắc là người trưởng thành hay người cao tuổi.

Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ nhỏ cũng có thể mắc các thể lao như người lớn với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Dấu hiệu không rõ ràng

Từ một đứa trẻ to béo, khỏe mạnh, chỉ sau 3 tuần kể từ ngày phát hiện mắc bệnh lao màng phổi, bệnh nhi Doãn Triệu Cao Quý (13 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã giảm gần 10kg. Theo lời kể của mẹ cháu, trước khi được xác định mắc bệnh, Quý không hề có bất kỳ một biểu hiện ho hay đau tức ngực. Chỉ đến khi cháu sốt liên tục 4 ngày liền và chảy máu cam, gia đình mới đưa đến bệnh viện (BV). Khi chụp X-quang tim phổi, các bác sĩ đã phát hiện cháu bị ứ dịch màng phổi và phải chọc hút dịch. Tuy nhiên, do ông nội của Quý đã bị mắc bệnh lao nên gia đình vẫn đưa cháu đến BV Phổi Hà Nội để kiểm tra, kết quả là dương tính với virus lao màng phổi. Sau 3 tuần điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của Quý đã có nhiều tiến triển.
Khám bệnh cho bệnh nhi mắc lao tại BV Phổi Hà Nội. Ảnh: Trần Nga
Khám bệnh cho bệnh nhi mắc lao tại BV Phổi Hà Nội. Ảnh: Trần Nga
Bác sĩ Ngô Thị Thảo – chuyên khoa Nhi, BV Phổi Hà Nội cho biết, triệu trứng bệnh lao ở trẻ nhỏ rất khó phát hiện vì trùng với dấu hiệu của các bệnh thông thường khác. Điển hình như dấu hiệu của bệnh lao phổi rất giống với bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu của bệnh lao khớp lại rất giống với triệu trứng tràn dịch khớp thông thường. Vì vậy, chủ yếu trẻ được phát hiện mắc bệnh lao là do tình cờ khi đi khám phát hiện hoặc do điều trị theo phác đồ của các bệnh thông thường một thời gian dài mà không khỏi. Bên cạnh đó, điều trị bệnh lao cho trẻ còn rất khó khăn do thuốc điều trị bệnh không có dạng siro. Mỗi lần trẻ uống thuốc, bố mẹ phải nghiền thuốc thành bột và pha với nước. Đặc biệt, thuốc điều trị bệnh lao có rất nhiều tác dụng phụ như dị ứng, mẩn ngứa, suy giảm chức năng gan, thận và ảnh hưởng đến thị lực, thính lực của trẻ. Ngoài ra, việc chẩn đoán lao, tìm ra vi trùng lao ở trẻ nghi mắc lao phổi cũng khó hơn so với người lớn do trẻ chưa biết khạc đờm để xét nghiệm.

Điều trị dự phòng

Cũng chính vì khó phát hiện nên những trẻ mắc lao thường có sức đề kháng kém, còi cọc, chậm phát triển. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, bác sĩ Thảo khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, thỉnh thoảng có sốt cao, hay sốt liên tục không hạ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để xét nghiệm tìm virus lao. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh lao còn có thể có ho khan, khạc đờm, đau ngực, khó thở. Tùy theo trẻ mắc loại lao gì mà bệnh cảnh còn có thêm những triệu chứng điển hình khác. Bác sĩ Thảo cũng nhấn mạnh, cần cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh lao càng sớm càng tốt kể từ lúc chào đời. Đối với những trẻ mắc bệnh, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thảo cũng nhấn mạnh đến việc điều trị dự phòng lao cho trẻ, nhất là với những trẻ sống trong môi trường có người mắc bệnh lao là rất cần thiết. Tại Hà Nội, hoạt động điều trị dự phòng lao cho trẻ được triển khai từ năm 2012 ngay tại các trung tâm y tế quận, huyện. Tuy nhiên, đến nay, số trẻ được điều trị dự phòng vẫn còn rất hạn chế, chỉ 387/1.590 trẻ tiếp xúc với nguồn lây được điều trị dự phòng, trong đó có 365 trẻ hoàn thành đầy đủ liệu trình.

Mặc dù số trẻ mắc bệnh lao hàng năm không lớn nhưng các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh lao, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống suy dinh dưỡng.