Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác cao với tội phạm mua bán người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/8, Sở TT&TT TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, phổ biến về tình hình công tác phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2013 cũng như nâng cao hiệu quả truyền thông trong công tác phòng chống loại tội phạm này.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Mạnh Thường - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm mua bán người, Công an TP Hà Nội để thông tin sâu hơn về vấn đề này.

 

Xin ông cho biết tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian qua diễn biến như thế nào?

 

- Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra hết sức phức tạp. Tính đến 30/6/2013, Công an Hà Nội đã khám phá 11 vụ mua bán người với 35 đối tượng. Còn tính riêng trong giai đoạn cao điểm đấu tranh chống tội phạm mua bán người (từ 1/7 - 30/7/2013) Công an Hà Nội điều tra thêm 4 vụ. Như vậy, tính đến thời điểm này, số vụ mua bán người được khám phá đã lên đến 15 vụ. Trong năm vừa qua, cảnh sát Singapore và Thái Lan đã bắt giữ gần 1.500 phụ nữ Việt Nam hoạt động mại dâm và xuất nhập cảnh trái phép, đồng thời giải cứu 110 phụ nữ Việt Nam tại đây, trong đó có 42 người bị lừa bán.

 
Một đối tượng mua bán người tại cơ quan điều tra
Một đối tượng mua bán người tại cơ quan điều tra

Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng mua bán người và thủ đoạn của bọn chúng?

 

- Đối tượng mua bán người có thể là mọi thành phần từ người lạ, người mới quen hay thậm chí là người quen thân. Chúng thường lợi dụng triệt để mối quan hệ này cùng các thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán người. Các đối tượng thường đặt quan hệ tình cảm, lợi dụng lòng tin của người bị lừa, hứa hẹn giới thiệu việc làm lương cao để lôi kéo, dụ dỗ các nạn nhân. Đặc biệt, với tình hình internet cũng như các mạng xã hội phát triển, tình trạng làm quen, kết bạn qua các mạng xã hội dễ dàng hơn càng làm tăng thêm nguy cơ cho các hành vi lừa đảo, mua bán người.

 

Ngoài nạn nhân là phụ nữ, tình hình mua bán trẻ sơ sinh, thai nhi hiện nay diễn biến ra sao, thưa ông?

 

- Theo đánh giá chung trong quá trình điều tra, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh cũng như thai nhi đang diễn biến phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Các đối tượng thường lân la tại các cơ sở y tế, tìm đến những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sinh con ngoài ý muốn để thực hiện hành vi lừa đảo. Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại Công an Hà Nội chưa khám phá vụ án nào mua bán trẻ em đang còn trong bào thai. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả người dân biết phương thức, thủ đoạn này để có biện pháp đề phòng.

 

Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng buôn bán người này?

 

 - Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng mua bán người là bởi đời sống kinh tế khó khăn, tình trạng thiếu việc làm ngày càng nhiều và trình độ hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đồng thời, sự mất cân bằng giới tính cũng là nguy cơ dẫn đến việc buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới trong thời gian qua.

 

Ông có khuyến cáo nào cho người dân trước tình trạng mua bán người đang diễn ra?

 

- Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn mua bán người như việc đưa ra lời hứa hẹn tìm việc làm với thu nhập cao, các lời mời đi du lịch… đặc biệt là từ các đối tượng mới quen biết. Khi được mời đi đâu xa nên thông báo với người thân, gia đình để khi có việc xảy ra người thân biết báo cơ quan công an có căn cứ để truy tìm. Các gia đình có trẻ vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng internet, mạng xã hội…  của con cái. Khi phát hiện người bị mua bán hoặc đối tượng có dấu hiệu hành vi mua bán người có thể liên lạc đến số điện thoại của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội (04.39396242) hoặc số điện thoại của Đội Chống tội phạm mua bán người (04.39396153) để tố giác.

 

 Xin cảm ơn ông!