Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với các dự án... vẽ

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn sốt địa ốc một số vùng ven Hà Nội chính thức náo nhiệt, sau nhiều năm ăn theo thông tin lên quận vào đầu tháng 11 vừa qua.

 
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến (Quản lý quỹ đầu tư Nik Capital)
Tâm lý háo hức của khách hàng cũng như nhu cầu ở thật có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến (Quản lý quỹ đầu tư Nik Capital), đó đơn thuần là cơn sóng ngầm tại một vài dự án nổi bật, mặt bùng chung, vẫn… ít động đậy.
Chưa kịp lên quận, có địa bàn Hoài Đức, Gia Lâm đã kịp “thổi” giá đất tăng 200%. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn khẳng định “có thể giảm sốt đôi phần nhưng giá chắc chắn không đi xuống”. Nhận định của ông về tình hình này?

- Tâm lý của “cò” đất là phải làm sao có được tối đa khách hàng quan tâm đến mặt hàng họ đang rao bán. Việc sốt giá xình xịch tại một số khu vực huyện có định hướng lên quận ở Hà Nội tương tự câu chuyện ở Củ Chi, Hóc Môn ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cần đi sâu vào thực chất vấn đề: Bản thân người dân sinh sống tại địa bàn không khuấy đảo giá đất. Việc giá bán tăng chủ yếu do “cò” hoặc nhà đầu tư đã có các dự án hoặc nguồn hàng hiện hữu ở đây. Mục đích nhằm tung tin hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả lên quận sẽ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Từ các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng... cò đất đã trục lợi tối đa để đẩy hàng thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.

Thưa ông, dường như các siêu công trình có vẻ hoàng tráng tại các địa bàn này đều chưa hình thành. Trong khi, không ít giao dịch phân lô bán nền diễn ra ở các dự án… vẽ?

- Việc các đơn vị kinh doanh bất động sản có dấu hiệu lừa đảo khi ký hợp đồng nhận ủy quyền gom đất từ các chính chủ cá nhân. Sau đó, tự vẽ ra các dự án "ma" và rao bán rầm rộ trên thị trường khá phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Ở Hà Nội, chưa ghi nhận thấy hiện tượng này, song cũng cần hết sức cảnh giác. Bởi, các vùng ven với quy mô đất rộng tiềm tàng khả năng hiện thực hoá “bánh vẽ” này.

Đối với trường hợp phân lô hộ lẻ, chủ đất là cá nhân phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất (lô đất nền) mới được đưa ra giao dịch chuyển nhượng tại đơn vị công chứng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản đã qua mặt khách hàng bằng hình thức nhận ủy quyền từ chủ đất là cá nhân, để ký hợp đồng giao dịch và thu tiền của khách hàng. Để tránh rủi ro, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch vì nếu có xảy ra tranh chấp khách hàng sẽ có nguy cơ không lấy lại được tiền, còn đất thì bị chủ đất bán cho người khác. Trong khi bên nhận ủy quyền trung gian nhận tiền chênh lệch ung dung chối bỏ trách nhiệm vì cho rằng, chỉ là người làm theo ủy quyền.

Dập tắt mức giá có dấu hiệu phi mã vào cuối năm và dự kiến nửa đầu năm 2019, giới “cò đất” phản biện không hẳn chỉ một phía từ họ. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Đó chính xác phải là sự kết hợp song phương. Các nhân viên môi giới cần có trách nhiệm làm đúng bản chất nghề nghiệp, không tạo hiệu ứng đám đông gây méo mó thị trường. Nhưng trường hợp họ không chấp hành, chính quyền sở tại phải siết hoạt động của các đơn vị này, định hướng công khai thông tin quy hoạch trên địa bàn.

Ở khía cạnh khác, các cấp lãnh đạo cũng nên thận trọng khi công bố quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch. Thận trọng ở xác định nguồn vốn, khả năng, tiến độ... Và khi công bố rồi, hạn chế tối đa “điều chỉnh quy hoạch cục bộ”. Bởi, chỉ cần một nét bút điều chỉnh, cơ sở để việc “thổi” giá lại nhiều khả năng bùng phát.

Xin cảm ơn ông!