Cảnh giác với đồ gốm, sứ nhiễm chì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bát, đĩa, cốc, chén làm bằng gốm, sứ, thủy tinh là những vật dụng quen thuộc với cuộc sống hàng ngày với nhiều mẫu mã, chủng loại đa dạng, hấp dẫn người tiêu dùng.

Vậy nhưng, ít ai biết được chính xác nguồn gốc xuất xứ cũng như sự nguy hại đối với sức khỏe nếu sản phẩm nhiễm chì.

Không rõ nguồn gốc

Làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) – địa danh nổi tiếng khắp cả nước về sản phẩm gốm, sứ. Thương hiệu gốm, sứ Bát Tràng cũng đã trở thành một dấu ấn trong lịch sử văn hóa của người dân Kinh Bắc. Vậy nhưng, đến với làng Bát Tràng hiện nay, chẳng còn mấy lò gốm được đỏ lửa. Thực tế, đồ gốm cũng được đưa vào lò hấp của người Bát Tràng nhưng sản phẩm ban đầu lại được nhập về từ một nơi khác. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị N. – chủ một xưởng sản xuất gốm, sứ tại Bát Tràng, khách hàng của chị chủ yếu là các công ty quà tặng mua với số lượng hàng ngàn sản phẩm, vì thời gian khách yêu cầu chỉ khoảng 7 đến 10 ngày nên đa phần đều phải nhập “phôi” từ bên ngoài, xưởng chỉ thực hiện công đoạn in lên sản phẩm theo yêu cầu của khách.
Người tiêu dùng chọn mua đồ gốm, sứ tại chợ Bát Tràng. 	Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng chọn mua đồ gốm, sứ tại chợ Bát Tràng. Ảnh: Chiến Công
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm nhập của các đơn vị này có đến 80% được đưa về từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm (Bộ Khoa học & Công nghệ), đa phần các sản phẩm gốm, sứ không rõ nguồn gốc đều chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép, không đảm bảo ATTP. Một nguyên nhân gây ra tình trạng trên do nguyên liệu đất nếu được sản xuất từ những cơ sở có công nghệ cũ sẽ không lọc được hết kim loại nặng, trong đó có chì. Tuy nhiên, vì giá thành của những sản phẩm này thường rẻ hơn từ 5 – 6 lần so với các sản phẩm gốm, sứ đạt tiêu chuẩn như Minh Long, Long Phượng, Hải Dương… nên vẫn chiếm được ưu thế trên thị trường. Hơn nữa, đối với người tiêu dùng, rất khó có thể phát hiện được sản phẩm nào nhiễm chì.

Càng nhiều họa tiết càng độc
Cách nhận biết đồ gốm, sứ nhiễm chì:
– Dùng dấm để thử sản phẩm gốm sứ nhiễm chì: Đựng dấm vào sản phẩm bát đĩa bằng gốm sứ, nếu sản phẩm có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm bị đổi màu thì có khả năng chứa tạp chất.
– Thử tiếng vang của sản phẩm thủy tinh để phát hiện sản phẩm nhiễm chì: Sản phẩm thủy tinh có chứa chì tiếng kêu rất vang, đồ không có nhiễm chì tiếng kêu đục và nhỏ hơn.
TS Nguyễn Duy ThịnhNguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Trên thực tế, các sản phẩm gốm, sứ trôi nổi trên thị trường đều khá “bắt mắt” người tiêu dùng bởi mẫu mã, chủng loại đa dạng cũng như họa tiết hoa văn phong phú. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những họa tiết ấy là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay, hoa văn được in lên sản phẩm gốm, sứ được thực hiện bằng phương pháp hấp decal. Phương pháp này cũng được chia làm hai loại, lửa nặng và lửa nhẹ. Đối với loại nặng lửa, decal được dán lên sản phẩm sau đó mới phủ men. Nhưng loại này khiến cho sản phẩm kém tươi và không sắc nét. Trong khi đó, đối với nhẹ lửa thì hoàn toàn ngược lại. Hoa văn decal chỉ cần nung ở nhiệt độ khá thấp (dưới 800oC) mà màu vẫn giữ được độ tươi sáng lại giúp tiết kiệm năng lượng trong quá trình nung.

Thế nhưng decal trên gốm, sứ nung nhiệt càng nhẹ càng không bền, sau một thời gian sử dụng hoa văn sẽ mờ đi. Không đâu khác, chính lớp hoa văn decal đó đã “hòa quyện” với thực phẩm đi vào cơ thể con người. Và tất nhiên, chì là chất không thể thiếu trong decal dán lên gốm, sứ. Với quy trình sản xuất như trên, các sản phẩm càng có nhiều họa tiết hoa văn, nhiều màu sắc càng có hàm lượng chì cao.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, kể cả đồ gốm, sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp cũng có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Nguyên nhân là vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.500oC. Tuy nhiên, nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 - 1.100oC đã được một lô thành phẩm, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa có sản phẩm hoa văn đẹp mắt. Vì vậy, những sản phẩm nung thủ công càng rẻ tiền thì quy trình càng không chuẩn, thậm chí bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian, chi phí nên độ nhiễm chì càng cao.

Gây nhiều bệnh nguy hiểm

Mặc dù các cơ quan chức năng sau các đợt kiểm tra đều khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn các sản phẩm gốm, sứ không rõ nguồn gốc để tránh vô tình “nạp” chì vào cơ thể. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhiều lần tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm gốm, sứ đúng cách để lượng chì trong sản phẩm hạn chế tối đa khả năng hấp thụ vào cơ thể qua thực phẩm. Vậy nhưng nhiều người vẫn khá chủ quan đến vấn đề này. Chị Lê Ngọc Hà (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi mua đồ dùng gốm, sứ cho gia đình, chị mới chỉ quan tâm đến độ bóng và họa tiết trên sản phẩm chứ ít khi tìm hiểu rõ về nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm có độ bóng và hoa văn đẹp, giá thành phù hợp là sự lựa chọn của chị. Với anh Lưu Văn Hợp (xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội) có sở thích dùng đồ gốm, sứ trắng. Việc thường xuyên sử dụng đồ gốm, sứ để tích trữ thực phẩm, hay đựng các thực phẩm độ chua cao như dấm, nước cốt chanh… cũng là cơ hội để hàm lượng chì trong sản phẩm bị oxi hóa, thôi nhiễm vào thức ăn gây mất ATTP. Không chỉ chị Hà, anh Hợp mà nhiều người tiêu dùng khác vẫn nghĩ rằng đựng thực phẩm trong đồ gốm, sứ đã là hoàn toàn đảm bảo ATTP.

Tuy  nhiên, TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, kim loại nặng có trong màu sắc hay lớp men trên các sản phẩm kém chất lượng dễ bị mài mòn, khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có tính axit chua sẽ dễ dàng thôi nhiễm vào cơ thể, tích tụ lâu ngày gây nhiều chứng bệnh về thần kinh. Hơn thế, khi trong cơ thể con người có một hàm lượng chì lớn sẽ gây ức chế các phản ứng trong cơ thể, tích lũy trong gan, thận gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm hoặc tích lũy trong xương gây loãng xương, phân hủy xương. Tùy theo mức độ nhiễm độc mà cơ thể con người sẽ phải chịu những tai biến hoặc nặng nhất là tử vong. Vì vậy, với kiểu “nhắm mắt mua, vô tư sử dụng” của những người tiêu dùng dễ dãi thì cho dù là sản phẩm gốm, sứ kém chất lượng hay sản phẩm chất lượng cao, việc chì bị thôi nhiễm vào thức ăn vẫn có thể xảy ra.

 Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, TS Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng nên mua bát đĩa gốm, sứ chất lượng cao, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng. Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Khi thấy bát đĩa sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn thì nên mua bát mới (bởi men chì nhanh bị mài mòn, "hàng chợ" càng chóng bị bong tróc men, phai màu và hàm lượng chì thoát ra nhiều và ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng). Đặc biệt, những bà nội trợ không nên dùng bát đĩa gốm, sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng vì nhiệt độ trong lò làm chất độc trong gốm, sứ dễ tan hơn, không nên để dưa chua trong đồ gốm, sứ mà nên để trong lọ thủy tinh. Với đồ thủy tinh, tránh những đồ long lanh, bắt mắt. Chỉ nên dùng sản phẩm thủy tinh không có lớp sơn bọc lòe loẹt ở ngoài bởi vì lớp tráng rất có thể nhiễm chì, chỉ nên dùng hàng có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ hàm lượng chì trên bề mặt nếu có.