[Cảnh giác với lừa đảo thời 4.0] Bài 1: Núp bóng mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin được Công an TP Hà Nội mới đưa ra, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã nhận được 18 đơn, thư tố giác về các hình thức lừa đảo qua mạng internet với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng phương thức luôn thay đổi khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy.

 Ảnh minh họa
Mạng xã hội hiện đang là môi trường lý tưởng cho vấn nạn lừa đảo trực tuyến, không chỉ những thủ đoạn tinh vi mà ngay cả những chiêu trò cũ rích đã được cảnh báo rất nhiều vẫn có không ít người là nạn nhân của những chiêu trò này.
Muôn hình vạn trạng
Theo thông tin từ cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), vào hồi tháng 4/2019 vừa qua, đơn vị này đã nhận được trình báo của chị Trần Thị H. về việc người thân của chị bị chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi nhắn tin cho chị nói đang bị ốm, cần tiền điều trị gấp và nhờ chị H. chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản 3955877 mang tên Nguyễn Thị Thùy Linh. Tin là thật, chị H. đã chuyển số tiền trên cho người thân của mình. Tuy nhiên sau khi kiểm tra lại mới biết mình bị lừa.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định và bắt giữ được nhóm lừa đảo trên. Qua đấu tranh, các đối tượng đã thừa nhận chị H. là một trong số nhiều trường hợp bị nhóm mình lừa đảo qua mạng xã hội. Thủ đoạn được chúng thường xuyên sử dụng là chiếm đoạt một tài khoản Facebook rồi nhắn tin đến danh sách các bạn bè bịa ra các lý do cần tiền như người nhà ốm... để vay tiền và yêu cầu bị hại gửi đến các tài khoản ngân hàng. Với thủ đoạn đơn giản như trên, chỉ trong giai đoạn từ tháng 7/2018 đến 4/2019, nhóm này đã thành công lừa đảo 30 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 1,4 tỷ đồng.
Đứng trước mỗi "lợi ích" bất ngờ trên mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ càng về "lợi ích" đó, tuyệt đối không tham gia, cung cấp thông tin hoặc truy cập vào những địa chỉ mà tính an toàn của nó chưa được xác thực.
Chuyên gia bảo mật của Bkav Nguyễn Hữu Trung
Có thủ đoạn tinh vi và kín kẽ hơn là trường hợp của Nguyễn Minh Lương (Hà Nội), người đang bị tạm giam để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nắm bắt được nhu cầu mua vé máy bay giá rẻ của người tiêu dùng ngày càng cao cũng như lợi dụng các kẽ hở ở tiện ích đặt giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng hàng không, đối tượng đã lên mạng internet đặt vé để lấy mã đặt chỗ rồi quảng cáo bán vé giá rẻ trên Facebook.
Tuy nhiên khi có người mua, Nguyễn Minh Lương vẫn nhận tiền của khách hàng nhưng không thanh toán tiền cho hãng hàng không, qua đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Để tránh việc người mua vé tìm đòi tiền, đối tượng thường nhằm vào người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Theo ghi nhận bước đầu, hiện Nguyễn Minh Lương đã thực hiện thành công hành vi lừa đảo trên với nhiều người và số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 500 triệu đồng.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội bị phát hiện và đưa ra ánh sáng trong nửa đầu 2019. Điểm chung của những trường hợp này là kẻ lừa đảo mặc dù sử dụng những chiêu trò đã quá cũ kỹ hoặc sửa đổi đi vài chi tiết nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị mắc lừa.
Ngoài ra cũng phải kể tới hàng loạt các phương thức lừa đảo khác đang xuất hiện nhan nhản trên môi trường mạng xã hội như: Nhận bán sản phẩm qua mạng nhưng khi người mua chuyển tiền thì ngắt mọi liên lạc, cấu kết với người nước ngoài lừa tiền của phụ nữ cả tin, nhận quà gửi từ người quen ở nước ngoài, chuyển tiền để nhận giải thưởng lớn... Đáng chú ý, phần lớn những phương thức lừa đảo như trên đã thường xuyên được các cơ quan chức năng cảnh báo trên phương tiện đại chúng, nhưng vì lòng tham và lợi ích trước mắt kết hợp với thủ đoạn được thay đổi muôn hình vạn trạng nên số lượng nạn nhân bị mất tiền lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng vẫn xuất hiện đều đặn. 
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng
Nhận định về tình hình lừa đảo trực tuyến hiện nay, Công an TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh những thủ đoạn cũ, các đối tượng còn thường xuyên thay đổi cách thức phạm tội tinh vi hơn. Nếu như trước đây chỉ đơn thuần là tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để lừa người khác thì nay thông qua các thông tin cá nhân công khai, kẻ gian còn cẩn thận nắm bắt nhu cầu của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.
Để hạn chế khả năng trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nên chủ động nâng cao kiến thức, không làm theo các thông tin, liên hệ qua internet, mạng xã hội ở các địa chỉ, cá nhân mà mình chưa xác định rõ được tính an toàn. Mặt khác, người dùng cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình cũng như người thân lên mạng internet, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tìm cách lưu lại thông tin của đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… Sau đó thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Khi đã lỡ chuyển tiền, phát hiện bị lừa đảo cần báo ngay cho ngân hàng để phong tỏa tài khoản, tránh thiệt hại về kinh tế.
Chuyên gia bảo mật của Bkav Nguyễn Hữu Trung khẳng định, việc công khai thông tin cá nhân lên mạng là "miếng mồi béo bở" mà tội phạm mạng luôn hướng tới. Việc tham gia vào các mạng xã hội, mua hàng trực tuyến hoặc thậm chí là chơi các trò chơi trực tuyến nếu không cẩn thận khi cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, số Chứng minh Nhân dân, tài khoản ngân hàng… sẽ rất dễ bị kẻ gian lợi dụng, từ đó gây thiệt hại ngược lại cho người dùng.
Do đó, khi tham gia môi trường mạng cần cung cấp thông tin càng ít càng tốt. Đặc biệt, các thông tin này cần hạn chế để ở chế độ công khai. Các bức ảnh, clip mà người dùng đăng tải lên mạng xã hội cũng rất dễ bị kẻ xấu dùng để tạo một tài khoản giả đánh lừa người khác. Do đó cần cân nhắc cẩn trọng trước khi đăng tải bất kỳ thông tin gì lên mạng xã hội. (còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần