Nở rộ quảng cáo dịch vụ làm việc tại nhà
Làm công việc văn phòng, đang lúc ít việc nên khi đọc được quảng cáo trên facebook về tuyển người soạn thảo văn bản với mức thu nhập hấp dẫn, chị Thu, 40 tuổi ở Hà Nội đã hào hứng "inbox".
Sau màn chào hỏi về công việc, tuổi, nơi ở của chị Thu, đối phương đã tư vấn nhanh gọn, dễ hiểu về công việc chị sẽ phải làm. Đó là nhận văn bản, gõ lại; rà soát lại các lỗi đánh máy của văn bản... Công việc đơn giản, nhẹ nhàng nhưng với mỗi sản phẩm chị sẽ nhận được từ 180.000 - 200.000 đồng. Rất hào hứng, chị Thu liền đăng ký tham gia ngay.
Tuy nhiên, ngay sau đó "nhà tuyển dụng" đưa ra yêu cầu chị Thu phải nạp 50.000 đồng để kích hoạt tài khoản trên App và cam kết sau mỗi lần hoàn thành việc, chị sẽ nhận được cả tiền công lẫn tiền gốc.
Tương tự, chị Phương, 36 tuổi ở Hà Nội khi thấy một tài khoản facebook lấy tên của chuỗi siêu thị nổi tiếng thông báo tìm người làm việc online, chị đã quan tâm gửi tin nhắn. Chị Phương được tư vấn làm việc "chốt đơn" mua hàng trên App với điều kiện phải chuyển tiền mua hàng, sau mỗi đơn hàng chị sẽ được nhận lại "hoa hồng" tương ứng với 10%-15% giá trị.
Thậm chí, có tài khoản facebook còn vào hẳn các hội, nhóm của cộng đồng dân cư để đăng bài viết tìm người cộng tác làm việc online. Chị Oanh, 42 tuổi ở Hà Nội vốn đang "khát" việc với mong muốn tăng thu nhập cho gia đình nên khi thấy tin đăng trên nhóm dân cư của mình đã hào hứng nhắn tin và được tư vấn: Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 25-30 phút để tăng tương tác cho một hãng thời trang (có địa chỉ ở Hải Dương) sẽ nhận được 150.000 - 170.000 đồng.
Công việc thật đơn giản, chị có thể làm bất cứ khung giờ nào nên nếu tranh thủ một lúc buổi tối cũng không vất vả mà lại có mức thu nhập hấp dẫn. Chị Oanh loé lên tia hy vọng có thể tranh thủ làm 2 ca mỗi ngày cũng kiếm thêm được khá tiền...
Thế nhưng, niềm hy vọng ấy vụt tắt, chị Oanh chợt tỉnh ra khi "nhà tuyển dụng" yêu cầu chị nạp 100.000 đồng để kích hoạt tài khoản. Nhớ đến những trường hợp cũng từng bị mất tiền khi nhận việc online nên chị từ chối, song "nhà tuyển dụng" chưa buông tha, vẫn nhắn tin chèo kéo và cam kết "đảm bảo uy tín" cùng việc trưng ra công văn chấp thuận sử dụng lao động tại nhà của một công ty ở... TP Hồ Chí Minh. Mấy ngày sau đó, chị vào trong nhóm facebook cư dân để tìm lại tên tài khoản facebook này thì đã thấy không còn.
Chiêu trò cũ, người mắc mới
Những trường hợp bị lừa mất tiền khi tham gia làm việc online đã xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, đánh trúng tâm lý muốn tìm việc làm thêm, tăng thu nhập của người lao động, các đối tượng vẫn đẩy các quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Nếu ai không tỉnh táo, nhẹ dạ cả tin thì dễ bị "sập bẫy".
Trước đó, ngày 17/10/2022, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội đã tiếp nhận vụ việc của một công dân trên địa bàn khi lên mạng "chốt đơn" cho một hàng thời trang đã đóng tiền theo yêu cầu. Thế nhưng đến lúc chuẩn bị nhận "thù lao" thì tài khoản của chị báo lỗi, chị được yêu cầu nạp thêm 300 triệu đồng để lấy được tiền gốc. Chuyển tiền xong chị mới nhận ra mình bị lừa.
Hay như chị Phạm Thị Q., sinh năm 1998, ở Đan Phượng, Hà Nội cũng nhận công việc thanh toán các đơn hàng trên mạng để được hưởng tiền hoa hồng. Sau khi chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản để thanh toán cả gốc lẫn lãi thì đối tượng "cao chạy xa bay", để lại cho chị Q. cú sốc lớn...
Còn rất nhiều trường hợp bị "tiền mất, tật mang" khi tham gia làm việc online từ những quảng cáo trên mạng xã hội. Đây không phải câu chuyện mới nhưng vẫn có nhiều người vì quá tin vào những lời cam kết, bị hấp dẫn bởi lời mời chào "việc nhẹ, lương cao" nên vẫn nhận việc.
Số tiền nạp vào lúc đầu thấp và được thanh toán đầy đủ ở những đơn hàng đầu, nhưng sau đó các đối tượng sẽ đánh vào lòng tham của "con mồi", tăng dần số tiền lên. Khi sự đã rồi, trót đâm lao thì phải theo lao, người dân sẽ phải cố chuyển tiền với hy vọng lấy lại được gốc nhưng chuyển xong thì các đối tượng cũng "cao chạy, xa bay".
Bộ Công an khuyến cáo, hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.