Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao Phong (Hòa Bình): Cửa ngõ giao thương kết nối Tây Bắc với Thủ đô

Minh Khôi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi dự án mở rộng Quốc lộ 6 hoàn thành, hoạt động giao thương từ Cao Phong đến các vùng kinh tế và cửa khẩu hoặc vận chuyển nông sản từ Sơn La xuống trung tâm Hà Nội sẽ trở nên thuận tiện, nhanh chóng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 22/11, lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội đã khẳng định dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 6 nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hiện được giao cho Ban quản lý dự án các công trình giao thông của thành phố lấy ý kiến để triển khai với tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng.
 Quốc lộ 6 sau khi cải tạo sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển đến Cao Phong (Hòa Bình) chỉ 40-50 phút
Liên quan đến dự án, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Theo đó, dự án có chiều dài 21,5 km được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, thời gian thi công từ năm 2021-2024, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao làm chủ đầu tư.
Dự án sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ có mặt cắt lưu thông nội đô 56 - 60m, tương đương 6 làn xe với vận tốc thiết kế 80 km/h; đoạn lưu thông ngoài đô thị rộng 50m, tương đương 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, điều này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
 Cao Phong trở thành trung tâm kết nối các tỉnh Tây Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội (Ảnh minh họa)
Sau Hà Nội, huyện Cao Phong nói chung và thị trấn Cao Phong nói riêng là hai địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ việc mở rộng Quốc lộ 6. Cùng với tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La đang được triển khai, sau khi toàn bộ các dự án hoàn thành, hoạt động giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với thủ đô sẽ có nhiều thuận lợi, đặc biệt trong việc lưu thông các mặt hàng nông sản vốn là lợi thế của vùng Tây Bắc. Đơn cử, trái cam Cao Phong vận chuyển đến các tỉnh và cửa khẩu hay các loại nông sản từ Sơn La qua Cao Phong xuống trung tâm Hà Nội sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng, giúp đảm bảo chất lượng, giữ được độ tươi ngon của hàng hóa.
Với lợi thế trung tâm kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc Bộ và Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, Cao Phong đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thương. Các chuyên gia dự báo, thị trấn Cao Phong (Hoà Bình) sẽ sớm nằm trong danh mục của các nhà đầu tư khi các tuyến giao thông trọng yếu liên kết vùng và khu vực được hoàn thiện, tạo tiền đề để Cao Phong thu hút dòng vốn đầu tư, kéo theo đó, bất động sản Cao Phong sớm trở thành điểm “nóng” đầu tư cho doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư thứ cấp.