Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và những nút thắt cần tránh

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 được dự báo sẽ vô cùng bận rộn. Vậy đâu là những nút thắt mà dự án có nguy cơ đối mặt và phải vượt qua để đảm bảo tiến độ?

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 gặp khó khăn về vốn khi đầu tư bằng hình thức PPP. (Ảnh: Nam Khánh).
Nút thắt vốn đầu tư đã được tháo gỡ
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (từ 2021 - 2025) đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho ngày triển khai. Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc đã cơ bản được hoàn tất.
Một trong những điểm nhấn của “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chính là toàn bộ 12 dự án thành phần đều được đầu tư công thay vì triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) một số đoạn tuyến như dự kiến ban đầu. Điều này một phần do thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT các dự án của tuyến cao tốc này trong giai đoạn 1 vừa qua.
Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, việc đầu tư công toàn bộ các dự án thành phần sẽ mang tới lợi thế lớn cho dự án, nhất là tránh được “nút thắt” trong việc huy động vốn đầu tư mà một số đoạn tuyến của giai đoạn 1 đã vấp phải. Điều này có thể thấy rõ từ việc có tới 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư theo hình thức PPP thì phải chuyển đổi 5 dự án sang đầu tư công do đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Còn lại 3 dự án PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sau khi hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì ngay lập tức gặp khó trong việc huy động vốn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ đã rất tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn. “Bản thân các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn cho các dự án PPP hạ tầng giao thông” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ cho rằng, kêu gọi vốn xã hội và đầu tư hạ tầng giao thông là chủ trương lớn nhằm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hiện nay việc động vốn tín dụng cho đầu tư BOT giao thông khó khăn do các nhà đầu tư phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trong khi ngân hàng đang giảm cho vay các dự án BOT giao thông vì rủi ro cao.
Chính bởi vậy, vị chuyên gia này đánh giá, Nhà nước tăng đầu tư công để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, việc đầu tư các đoạn cao tốc Bắc - Nam còn lại sử dụng ngân sách là phù hợp. “Điều này để các dự án sớm được triển khai, tránh mất thời gian đấu thầu BOT không thành công lại chuyển sang đầu tư công” - PGS.TS Trần Chủng nói.
Thiếu vật liệu nền là ''nút thắt'' cần tránh tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. (Ảnh: Đình Quang).
Nỗi ám ảnh thiếu vật liệu nền
Có thể nói, vật liệu nền chính là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Bộ TN&MT, nhu cầu vật liệu đất sét đắp nền đường của 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công khoảng 50,9 triệu m3, trong đó có dự án thiếu hơn 7 triệu m3 đất sét đắp nền cao tốc.
Cụ thể, cao tốc Mai Sơn - QL45 đoạn qua Ninh Bình, Thanh Hóa, thiếu khoảng 7,1 triệu m3 đất sét; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn qua Bình Thuận thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đất sét; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn quan Bình Thuận, Đồng Nai thiếu khoảng 4,5 triệu m3 đất sét; cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua Thừa Thiên Huế thiếu khoảng 1,9 triệu m3 đất sét. Các dự án còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang thi công cũng rơi vào tình trạng thiếu vật liệu đắp nền đường như: cao tốc Cam Lộ - La Sơn thiếu khoảng 0,16 triệu m3 đất sét, cầu Mỹ Thuận 2 thiếu 0,04 triệu m3 đất sét.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này cũng nhận định, với tình trạng thiếu vật liệu nền nghiêm trọng như trên, nếu các dự án này không được cung cấp đủ vật liệu đất sét đắp nền đường cao tốc sẽ rơi vào tình trạng chậm tiến độ trong năm 2021.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ GTVT và các địa phương có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu thi công tuyến cao tốc Bắc Nam nhưng “nỗi ám ảnh” này chưa bao giờ được giải quyết triệt để.
Các chuyên gia cho rằng, khi triển khai giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như các địa phương có dự án đi qua phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề vật liệu nền. Lưu tâm để tránh được “nút thắt” này.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 nếu đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần sẽ là một lợi thế lớn để dự án tăng tốc, về đích sớm. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nếu trông chờ vào vốn đầu tư bên ngoài hay vốn xã hội hóa là điều rất khó.
“Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đất nước nên việc đầu tư xây dựng là không thể chậm trễ. Đó chính là lý do dù ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn nhưng dự án này được ưu tiên đầu tư công khi gặp khó trong việc huy động vốn đầu tư xã hội hóa” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh, lợi thế về vốn đầu tư sẽ chỉ được phát huy tối đa nếu dự án đảm bảo được những yếu tố còn lại, nhất là GPMB và vật liệu nền. “Khi triển khai giai đoạn 2 của dự án, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, nhất là Bộ GTVT và những địa phương phải có sự chuẩn bị kĩ càng làm sao đảm bảo được nguồn vật liệu phục vụ thi công cho các dự án thành phần khi triển khai. Có như thế mới đảm bảo được tiến độ chung của toàn dự án” - chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần