Cấp bách bổ sung nguồn cát cho cao tốc Bắc Nam qua miền Tây

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 14/3 tại Hậu Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với các bộ ngành và địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về nguồn vật liệu phục vụ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lâm – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Từ nay đến 2025, vật liệu cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL là rất lớn, khoảng hơn 47,8 triệu m3.

Trong đó, cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau là 18,5 triệu m3; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng 23,8 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu hơn 2,4 triệu m3; cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh hơn 3 triệu m3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc Nam) có tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT cũng đang chủ động chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục, sẽ triển khai thi công thí điểm vào ngày 15/3/2023, tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023 và có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Phó TT chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác có trong hồ sơ khảo sát vật liệu và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án theo đề nghị của Bộ GTVT; kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công.

Quang cảnh buổi làm việc. 
Quang cảnh buổi làm việc. 

Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án. Do đó, trước mắt trong năm 2023 và 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị: Các địa phương đã chủ động, ngồi với nhau, tinh thần xác định đây là công trình ưu tiên của quốc gia, của miền Tây, là trách nhiệm chung. Bộ GTVT lên biểu đồ tiến độ cho 4 tuyến cao tốc nói trên, trong đó nêu chính xác đến từng tháng, nói rõ nhu cầu cần bao nhiêu, từ nay đến 2024 tháng nào làm việc gì, ở đâu

Đối với các địa phương ĐBSCL, Phó Thủ tướng đề nghị chủ động tăng 50% công suất các mỏ cát hiện đang hoạt động; còn các mỏ đá, đất có thể tăng 200%. Với các mỏ đang tạm thời đóng cửa, xem xét cấp phép trở lại, giám sát đánh giá tác động môi trường, xác định là cấp cho công trình trọng điểm, cao tốc Bắc Nam, đơn giản hóa các thủ tục....