Cấp bách chống hạn và xâm nhập mặn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào vụ Đông Xuân gặp hạn ở mức kỷ lục hơn 90 năm nay, cộng thêm tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất.

Trước tình hình đó, ngày 17/2, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự  và chỉ đạo hội nghị.

Nhiều tác động xấu

Do ảnh hưởng của El-Nino, mùa mưa năm 2015 đến trễ và kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực ĐBCSL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Mực nước sông Mekong xuống thấp, nước mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm và xâm nhập sâu vào các tỉnh trong khu vực. Nồng độ mặn  đo trên các cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền, sông Hậu trong tháng 2/2016 cao hơn so với cùng kỳ tháng 2/2015 từ 2,6 - 12,3g/lít. Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm nay, ĐBSCL gặp hạn ở mức kỷ lục hơn 90 năm mới xảy ra một lần. Theo số liệu quan trắc, có nơi mặn xâm nhập vào sâu trong cửa biển tới 69km và độ mặn đã đạt tới 8,3g/lít, tức là 8,3‰ (trong khi theo tiêu chuẩn nước để tưới được là 1‰).
Khô hạn tại một cánh đồng ở tỉnh An Giang.
Khô hạn tại một cánh đồng ở tỉnh An Giang.
Trên thực tế, thiệt hại do mặn và hạn hán ở ĐBSCL đã kéo dài từ những vụ trước. Cụ thể, riêng vụ mùa 2015, diện tích bị hạn, mặn, chủ yếu trên chân đất lúa - tôm của tỉnh Kiên Giang là gần 58.000ha, trong đó diện tích bị thiệt hại là hơn 29.600ha. Tới vụ Đông 2015, diện tích bị hạn, mặn là hơn 25.100ha, chủ yếu trên đất lúa của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đến trung tuần tháng 2/2016 cho thấy, diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016 của toàn vùng ĐBSCL là 7.865ha.

Mặc dù thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và một số diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên diện tích gặp khó khăn, thiếu nước vẫn còn khá lớn, hiện ở mức trên 53.400ha. Nếu thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn tiếp tục căng thẳng, diện tích này có thể tăng thêm. Riêng tỉnh Hậu Giang, khả năng thời gian tới có 41.000ha phải bơm nước chống hạn.

Tìm giải pháp căn cơ

Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô ở khu vực ĐBCSL sẽ đến sớm, sâu và khả năng kéo dài. Từ cuối tháng 2 trở đi, nhiều vùng trong khu vực sẽ bị sụt giảm nguồn nước ngọt và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt. Để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống thật hợp lý, tập trung, nhanh gọn và né tránh hạn, mặn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra trong thời gian tới. Do đó, các địa phương trong khu vực cần đắp ngay đập tạm, gia cố kênh mương để dân có đủ nước sinh hoạt, có cơ chế tạm ứng vốn rồi quyết toán vốn sau. Ông Phát nhấn mạnh, công tác dự báo hạn hán, xâm nhập mặn cần phải làm sát, cụ thể đến từng huyện, xã và thông tin sâu rộng cho Nhân dân chủ động tìm biện pháp ứng phó. Đồng thời, việc ngăn mặn, tích ngọt cần triển khai cụ thể với từng khu vực.

Sau khi lắng nghe tình hình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của xâm nhập mặn, dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với tình trạng này. Trong đó, vận hành, điều tiết công trình thủy lợi hợp lý với các biện pháp cụ thể của từng địa phương, không để người dân đói, thiếu nước do hạn hán. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp bài bản, căn cơ, chủ động trong ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu khốc liệt hiện nay. Đồng thời, rà soát quy hoạch thủy lợi, phát triển nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng lúa không bảo đảm nguồn nước sang cây trồng và vật nuôi phù hợp với nước lợ, nước mặn.

 
Dung tích trữ nhiều hồ chứa chỉ còn 30 - 50%
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, nhiều khu vực trên cả nước năm 2015 đã không có mưa lớn, lượng dòng chảy trên các sông, suối ở hầu hết các vùng đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Đến nay, dung tích trữ tại nhiều hồ chứa đã giảm chỉ còn 30 – 50% so với thiết kế. Trong đó, thấp nhất là các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại Hà Nội, mực nước trung bình tại các hồ chứa hiện đạt 58% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa lớn nhưng có dung tích trữ đạt thấp gồm: Suối Hai (38%), Đồng Mô (54%)… (Tùng Lâm)
Tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ thị nêu rõ, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai thời gian qua diễn biến hết sức bất thường, phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTT. Rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể đối với từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCTT; các đề án, chương trình như Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Ưu tiên vốn nâng cấp hạ tầng PCTT và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Đồng thời, xây dựng Đề án nâng cao năng lực quốc gia PCTT để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hình thái cực đoan đã, đang diễn ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước năm 2017. (Lâm Nguyễn)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần