“Cặp bài trùng” lừa đảo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù không có chức năng tuyển lao động đi xuất khẩu lao động, nhưng Đặng Phạm Đa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại đào tạo Dương Kinh (Công ty Dương Kinh)

KTĐT - Dù không có chức năng tuyển lao động đi xuất khẩu lao động, nhưng Đặng Phạm Đa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại đào tạo Dương Kinh (Công ty Dương Kinh) Hải Phòng và Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Tân, Hà Nội, cấu kết với nhau thực hiện hành vi lừa đảo.

Hôm qua 16-2, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP đề nghị truy tố Đặng Phạm Đa và Nguyễn Thành An về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một “chân rết” khác bị CQĐT đề nghị Viện KSND TP truy tố về tội danh trên là Phạm Thị Quyên, nhà ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Tài liệu CQĐT xác định, Công ty Dương Kinh không có chức năng tuyển người đi xuất khẩu lao động, nhưng Đặng Phạm Đa vẫn thông báo tuyển người đi lao động tại Nhật Bản theo dạng tu nghiệp sinh và nâng cao tay nghề. Thông báo nêu rõ, các “tu nghiệp sinh” và người lao động sẽ được xuất ngoại trong 3 năm; làm tốt sẽ được gia hạn thêm 2 năm, được bố trí nhiều ngành nghề với mức lương trên 2.000 USD/tháng. Những người có nhu cầu sẽ phải nộp phí tuyển dụng 8.000 USD/trường hợp. Cùng với những lời quảng cáo khá hấp dẫn này, Công ty Dương Kinh   của Đặng Phạm Đa quả quyết 3 tháng sau khi nộp tiền “đặt cọc”, người lao động sẽ được xuất cảnh.

Song song với thông báo tuyển dụng trực tiếp, Đặng Phạm Đa còn thông qua Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Tân của Nguyễn Thành An để “khai thác” lao động ở các tỉnh phía Bắc. Vốn không có chức năng tuyển người đi xuất khẩu lao động nhưng vì hám lời, Công ty Việt Tân vẫn tổ chức tuyển người; và thông qua một trong nhiều “chân rết” là Phạm Thị Quyên, một đối tượng không nghề nghiệp, đứng ra thu tiền của lao động. Thỏa thuận giữa Công ty Việt Tân và Quyên là với mỗi “khách hàng” khai thác được, Quyên sẽ được hưởng 500 USD. Không dừng lại ở đó, An và Quyên còn nâng mức phí tuyển dụng lên 11.000 USD/trường hợp và chỉ chuyển về cho Đa 8.000 USD/trường hợp.

“Cặp bài trùng” lừa đảo trên bị CQĐT xác định từ năm 2008 đến nay đã thu tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng và 111.740 USD của 28 người lao động. Tuy nhiên, Đa và đồng bọn không đưa được ai xuất ngoại như đã cam kết. Đến khi bị người lao động tố cáo đến cơ quan công an, các đối tượng mới chịu bồi hoàn gần 180 triệu đồng và 13.400 USD.

Bản kết luận điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV xác định số tiền chiếm đoạt mà các bị can phải chịu trách nhiệm như sau: Đặng Phạm Đa chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng; Nguyễn Thành An chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng; Phạm Thị Quyên chiếm đoạt 175 triệu đồng. Với hành vi phạm tội nêu trên, CQĐT đề nghị Viện KSND TP truy tố Đặng Phạm Đa, Nguyễn Thành An về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 139 - BLHS (có mức án từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân); Phạm Thị Quyên bị đề nghị truy tố theo khoản 2, Điều 139 (có mức án tù từ 2 đến 7 năm).

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần