Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp chứng chỉ hành chính công cho nhân viên bưu điện

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2020, gần 2.000 lãnh đạo các bưu điện tỉnh, TP và lực lượng cán bộ, công nhân viên trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ hành chính công (HCC) của Bưu điện Việt Nam sẽ được các giảng viên thuộc Học viện Hành chính Quốc gia bồi dưỡng về lý luận, kỹ năng quan trọng nhất trong việc triển khai dịch vụ HCC vào cuộc sống.

 Khóa bồi dưỡng về hành chính công đầu tiên cho cán bộ, nhân viên ngành bưu điện.

Khóa bồi dưỡng đầu tiên về HCC đã được Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua. Trong 3 ngày từ ngày 20 - 22/2, các học viên được các giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia trao đổi 6 chuyên đề. Cụ thể: Những vấn đề chung về HCC; cải cách hành chính, Thủ tục hành chính Nhà nước; Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ công và sự tham gia của ngành Bưu điện và cung ứng dịch vụ HCC; Kỹ năng phối hợp trong cung ứng dịch vụ HCC. Bên cạnh việc cung cấp các thông tin cơ bản về từng chuyên đề, lớp học dành nhiều thời gian để trao đổi, giải đáp và thảo luận về các vấn đề được đề cập trong bài học cũng như các tình huống ngoài thực tế. Các học viên làm bài kiểm tra trắc nghiệp đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ về lĩnh vực HCC của Học viện Hành chính Quốc gia.
Phát biểu tại khóa bồi dưỡng đặc biệt này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn khẳng định việc đào tạo bồi dưỡng về lĩnh vực HCC của một DN bưu chính Nhà nước có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện nay. Bởi từ năm 2021, công chức, viên chức Nhà nước sẽ thực hiện theo bảng lương mới. Tất cả các chức danh được hưởng lương ngân sách đến tận cấp xã đều phải xác định cụ thể từng công việc phải làm. Thêm vào đó, rất nhiều tỉnh, TP sẽ thực hiện sáp nhập cấp huyện, cấp xã. Đầu mối và số lượng công chức sẽ giảm đáng kể, tuy nhiên khối lượng công việc lại không hề giảm, thậm chí sẽ tăng lên.
Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tiến trình đổi mới là xã hội hóa các dịch vụ công để giảm tải cho cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN. Để triển khai chủ trương này, các DN, tổ chức Nhà nước có mạng lưới rộng khắp tới tận xã phải chung tay đảm nhiệm một phần công việc của cơ quan hành chính. Trong đó, Bưu điện Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều điều kiện tốt nhất để triển khai các dịch vụ HCC. Bởi đây không chỉ là DN bưu chính công ích duy nhất của Nhà nước, có mạng lưới rộng khắp tới tận cấp xã mà còn có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dịch vụ HCC trên cả nước.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định, thước đo của Chính phủ điện tử là dịch vụ hành chính công trực tuyến. Người dân và DN khi làm thủ tục hành chính không tiếp xúc trực tiếp với cơ quan công quyền. Mặc dù rất nhiều lĩnh vực đã có dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ và thanh toán online), tuy nhiên số lượng người dân lựa chọn dịch vụ này vẫn chưa cao, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi. Với mạng lưới đến tận cấp xã, Bưu điện Việt Nam cần tiếp tục chú trọng triển khai các dịch vụ HCC tại các điểm giao dịch để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất tại địa bàn xã. Nhân viên bưu điện dù không phải là công chức Nhà nước nhưng sẽ được đào tạo và phải có những kỹ năng triển khai dịch vụ HCC như những công chức hành chính để bảo đảm việc triển khai dịch vụ HCC đạt hiệu quả cao, phục vụ người dân, các tổ chức và DN một cách tốt nhất.