Cấp nào được ban hành văn bản pháp luật?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra nội dung về thẩm quyền ban hành VBQPPL.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong đó có đề nghị chính quyền cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền ban hành VBQPPL nhằm mục đích bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Trước vấn đề này, các chuyên gia lo ngại, nếu đề xuất được chấp thuận, hệ thống pháp luật sẽ càng chồng chéo trong khi việc thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập.

Lo ngại về chất lượng

TS Phạm Thị Minh Lý - nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, hiện cả nước có trên 700 đơn vị hành chính cấp huyện, trên 11.000 đơn vị hành chính cấp xã. Nếu cho phép cấp huyện và cấp xã cũng được ban hành VBQPPL thì sẽ nảy sinh số lượng văn bản khổng lồ, trong khi hệ thống pháp luật đã vô cùng phức tạp, từ luật đến pháp lệnh, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ, dưới luật lại có văn bản hướng dẫn thi hành…

Đồng tình với ý kiến này, Ths Chu Thị Thanh An - Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, hiện nay có quá nhiều cơ quan được trao thẩm quyền ban hành VBQPPL, gây ra quan ngại về chất lượng của các VBQPPL này. “Một thực tế trong thời gian qua, các cơ quan ban hành VBQPPL nhưng không quan tâm hoặc không nắm rõ những quy định tại các luật và các văn bản khác về cùng một vấn đề. Cách làm này tạo ra những quy định mâu thuẫn và chồng chéo nhau trong nhiều văn bản, thậm chí khó có thể xác định quy định pháp luật nào có hiệu lực và quy định nào đã hết hiệu lực” - bà An đánh giá.

Thực tế, điều này cũng đã được thể hiện thông qua các con số thống kê của Bộ Tư pháp. Báo cáo của Bộ cho thấy, trong năm 2014, số lượng VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật vẫn gia tăng: 10 tháng đầu năm, các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1.500 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản; 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp.

Từ những số liệu thống kê này, nhiều chuyên gia còn lo lắng, nếu để cấp xã, huyện có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì không thể có cơ quan nào kiểm tra xuể. “Hiện tại, mỗi năm, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” hàng trăm văn bản pháp quy không đúng quy định, nếu cho phép cấp xã, huyện cũng được ra VBQPPL thì sẽ không có đủ người để thẩm định được hết tính hợp pháp, hợp hiến của các văn bản này” - bà Lý quan ngại. Do đó, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm soát chặt chẽ tính hiệu lực của các   VBQPPL, theo các chuyên gia, không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL ở cấp huyện và cấp xã.

Chú trọng thi hành hơn ban hành
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tính hợp pháp các VBQPPL do các cấp chính quyền ban hành thì cần làm tốt công tác minh bạch hóa ở cấp địa phương. Người dân, tổ chức - những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản có khả năng tham gia giám sát từ khâu đề xuất, xây dựng, ban hành, thực hiện văn bản. Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia tích cực vào các quá trình, cũng như cơ chế ghi nhận ý kiến, giải quyết các kiến nghị của người dân.

Thạc sĩ Chu Thị Thanh An

Viện Nhà nước và Pháp luật

Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề vận dụng, thi hành luật pháp mới là vấn đề đáng lưu tâm. “Ngay như Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đến hàng ngàn hành vi, chúng ta cũng chưa thi hành xong. Thay vì để cho cấp xã, huyện có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì hãy để họ tập trung tổ chức tốt việc thi hành các quy định của luật” - bà Lý nói.

Đồng thời, bà Lý cũng đề cao tính thống nhất trong các VBQPPL trong hệ thống pháp luật. Theo đó, các quy định hành chính cũng cần có sự thống nhất trong phạm vi cả nước, nếu có đặc thù riêng thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ra các văn bản tùy thuộc vào đặc thù từng địa phương để phù hợp phát triển. “Vì vậy, tôi nghĩ chỉ nên để UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành VBQPPL là hợp lý” - bà Lý khẳng định.

Cũng băn khoăn về tính thống nhất của các VBQPPL, bà An cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay đã quá nhiều tầng lớp, phân cấp thẩm quyền ban hành VBQPPL càng nhiều thì càng khó kiểm soát và làm giảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Nội dung của văn bản phải chứa đựng quy tắc xử sự chung để điều chỉnh một quan hệ xã hội chung, và đối tượng điều chỉnh văn bản hướng đến là tất cả những chủ thể tham gia quan hệ xã hội chung đó. Phạm vi điều chỉnh của văn bản có thể là phổ biến trên cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định. Trong khi đó, đối với các xã, phường phạm vi địa giới nhỏ và yếu tố đặc thù không thực sự rõ rệt. Vì những nguyên nhân này, thực tiễn cho thấy nhu cầu ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã không lớn và nếu có thì hầu như sao chép văn bản của cấp trên.

Về vấn đề thực thi pháp luật, bà An cũng ủng hộ ý kiến chính quyền cấp xã nên đóng vai trò là chính quyền cơ sở chủ yếu thực hiện triển khai chính sách và pháp luật. “Từ những thực tiễn như vậy, tôi cho rằng, chính quyền cấp xã không nên được giao thẩm quyền ban hành VBQPPL, thay vào đóng vai trò là cấp cơ sở thực hiện triển khai chính sách, pháp luật” - bà An nói.